Việt Nam là một trong những nơi tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam và các quốc gia châu Á là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại châu Phi và đẩy nhiều phân loài đến nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 2018, có 1.100 con tê giác bị những kẻ săn trộm sát hại ở châu Phi, ngày nay số lượng tê giác chỉ còn vào khoảng 29.500 con trên toàn thế giới.
Để làm rõ nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, nhóm phóng viên của The Conservation đã phỏng vấn 31 người, trong đó có 30 người từng sử dụng sừng tê giác cho nhiều mục đích khác nhau và 1 người buôn bán sừng tê giác. Tất cả đều là những người có thu nhập cao và sống tại Hà Nội.
Những người phỏng vấn nói rằng họ thường sử dụng sừng tê giác để điều trị các bệnh khác nhau như bệnh gút, các bệnh nan y như ung thư và đột quỵ. Một số người không trực tiếp sử dụng mà mua lại rồi đưa cho người thân dùng.
Qua các cuộc phỏng vấn, theo nhóm phóng viên của The Conservation, niềm tin sừng tê giác có tác dụng thần kỳ để chữa một số loại bệnh đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người.
Bên cạnh việc sử dụng để làm thuốc, nhiều người "sưu tầm" sừng tê giác, chia sẻ nó lên các trang mạng xã hội để chứng minh sự giàu có của mình. Một số mua sừng tê giác để biếu cấp trên nhằm thăng tiến trong sự nghiệp.
Hầu hết những người được phóng vấn nói rằng họ không quan tâm tới nạn săn trộm và tình hình hiện nay của tê giác vì chúng nằm phần lớn ở châu Phi. Việc một sinh vật bị giết ở một nơi xa xôi như vậy là một vấn đề quá xa vời, không liên quan tới cuộc sống của họ. Họ chỉ tiêu thụ chứ không tự tay giết chúng.
Nhóm người này cũng không quan tâm tới hậu quả pháp lý của hành vi tiêu thục sừng tê giác dù trên thực tế Luật Việt Nam nghiêm cấm buôn bán trái phép và sử dụng sừng tê giác.
Tất cả những người được hỏi đều tin rằng các cơ quan chức năng sẽ không chú ý tới việc sử dụng sừng tê giác mà sẽ chỉ tập trung vào các trường hợp buôn bán với số lượng lớn. Một người từng buôn bán sừng tê giác nói rằng lợi nhuận tới từ các vụ mua bán vượt xa mọi rủi ro.
Theo The Conservation, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã nỗ lực tìm cách giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Năm 2015, chính phủ Việt Nam siết chặt các hình thức xử phạt với việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác bất hợp pháp. Các tổ chức bảo tồn đã và đang tích cực tuyên truyền với người tiêu dùng Việt Nam về cuộc khủng hoảng săn trộm của châu Phi và việc sừng tê giác không có tác dụng để làm thuốc.
Tuy nhiên, những nhận định "thâm căn cố đế" ngấm sâu vào suy nghĩ của nhiều người là lý do khiến các chiến dịch chống mua bán sừng tê giác vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Những người thực hiện phỏng vấn cho rằng Việt Nam cần có hình thức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thay đổi hành vi, nhận thức cố hữu của người dân, nhấn mạnh rằng ngăn chặn nạn săn bắn tê giác là trách nhiệm của tất cả mọi người thay vì cho rằng đó là một vấn đề ở phương trời xa xôi không ảnh hưởng gì tới mình.
Bình luận