Tại triển lãm hàng không ở Đức tuần trước, Clay Fearnow, giám đốc cấp cao bộ phận hàng không của công ty Lockheed Martin, cho biết Việt Nam dự kiến yêu cầu nhận báo giá và thông tin chính thức về 4-6 máy bay P-3 Orion trong vài tháng tới.
Nếu giao dịch thành công, các máy bay P-3 đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ và đang đỗ ở một sa mạc sẽ được tân trang với phần cánh mới, hệ thống nhiệm vụ và thiết bị tác chiến chống ngầm mới cho Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể bình luận về khả năng bán máy bay P-3 cho Việt Nam cho đến khi chính thức thông báo với Quốc hội.
Theo Reuters, chi phí mỗi chiếc có thể vượt mức 80-90 triệu USD, giá từng áp dụng cho Đài Loan cách đây vài năm. Công ty Lockheed Martin đã chế tạo cánh máy bay mới hoặc tân trang hơn 90 chiếc P-3 từ năm 2008, cung cấp cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm Mỹ, Na Uy, Đài Loan, Chile và Đức.
Hàn Quốc cũng đang cân nhắc việc mua cánh máy bay mới cho 8 chiếc P-3 hiện có và mua lại 12 chiếc S-3 đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ. Philippines cũng muốn cải thiện năng lực giám sát hàng hải, nhưng vẫn đang xác định yêu cầu.
Trước đó, Defence News dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ ngày 25/5 cho biết, Hà Nội đang tìm cách cải thiện năng lực phòng không và an ninh hàng hải. Nguồn tin tiết lộ, Việt Nam có thể đề nghị Washington bán tiêm kích F-16 và máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion theo Điều khoản Quốc phòng Dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc.
Video: Kỳ tích 3 quả tên lửa Liên Xô bắn hạ 4 máy bay Mỹ ở Việt Nam
Máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo và đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960. Orion được chế tạo cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải, trinh sát, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm đối phương, tác chiến chống tàu mặt nước, tìm kiếm cứu nạn.
P-3C có thể mang theo tên lửa chống hạm, tên lửa không đối đất, bom, mìn sâu, ngư lôi ở giá treo hai bên cánh, hoặc bên trong khoang với tổng tải trọng hơn 9 tấn.
Bình luận