Dù là người đứng đầu nước Mỹ, vốn luôn ở thế đối cực với Nga, Tổng thống Trump lại chẳng tỏ ra ghét Matxcơva như những quan chức còn lại trong chính quyền.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuần trước gọi ông Putin là đối thủ, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từng cáo buộc Tổng thống Nga là một người dối trá trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo không tiếc lời công kích chính quyền của ông Putin liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Giữa làn sóng bài Nga đó, ông Trump có vẻ như vẫn kiên định với lập trường của mình, hành xử thân thiện với người đồng cấp Nga.
Trong cuộc điện đàm dài kỷ lục hôm 3/5, 2 nhà lãnh đạo cùng nhau mổ xẻ báo cáo cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, nhấn mạnh kết quả của bản báo cáo này rằng đội ngũ tranh cử của ông Trump không dính dáng tới điện Kremlin.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về việc vì sao ông tỏ ra thân thiện quá mức với ông Putin và liệu nhà lãnh đạo Nga có nắm trong tay con bài nào để áp chế ông chủ Nhà Trắng?
Trong cuộc phỏng vấn với CNN cuối tuần trước, cựu giám đốc FBI James Comey nói rằng ông không rõ đáp án cho câu hỏi này.
Tuy nhiên, theo tờ Atlantic, có thể ông Trump đang có một toan tính khác. Nhà lãnh đạo Mỹ được cho là đang đi theo kịch bản "cảnh sát tốt, cảnh sát xấu". Ông để các quan chức khác trong chính quyền đưa ra các tuyên bố cứng rắn và rồi sau đó xuất hiện như một nhà ngoại giao thân thiện với những tuyên bố mềm mỏng hơn nhằm dung hòa quan hệ 2 nước.
Mặc dù vậy, cách làm này tồn tại những vấn đề đáng quan ngại. Các nước, đặc biệt là đồng minh Mỹ, sẽ không thể nắm được quan điểm của chính quyền Mỹ vì có quá nhiều phát ngôn trái ngược. Nó cũng có thể mang tới hiệu ứng Bomerang khi mà chính Tổng thống Putin, một nhà chính trị lão luyện, sẽ tận dụng điều đó để giành lấy các nhượng bộ từ Nhà Trắng.
Một số quan chức chính quyền Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo của họ xuống nước để đổi lấy sự đồng thuận của Nga trong một số vấn đề như khủng hoảng Venezuela, Triều Tiên. Nhưng nhiều quan chức cấp cao phàn nàn về việc nhiều tuyên bố và hành động của Tổng thống Trump làm cản trở họ.
Một số còn tiết lộ rằng ông Trump không dưới một lần tới các cuộc họp với những ý tưởng dường như vừa nảy sinh cách đó không lâu trong các cuộc điện thoại với những nhân vật mang quan điểm thân Nga.
Ông cũng thường xuyên tránh các cuộc đụng độ 1-1 với người đồng cấp Nga.
Tháng 7/2018, trong khi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 diễn ra căng thẳng, Tổng thống Trump có cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Helsinki, Phần Lan, khẳng định "không thấy bất cứ lý do gì cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho việc can thiệp cuộc bầu cử ở Mỹ". Phát ngôn này khiến ông Trump bị chính giới Mỹ phản ứng gay gắt khiến ông buộc phải lên tiếng cải chính sau đó.
Việc tỏ ra thân thiết với Tổng thống Putin là điều mà những người tiền nhiệm của ông Trump từng làm, nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ, những lời hứa hẹn chứ không liên quan tới các chính sách mà họ áp dụng.
5 tháng sau khi lên nắm quyền đầu năm 2001, Tổng thống George W. Bush gặp người đồng cấp Putin tại hội nghị ở Slovenia. Tại đây, ông không tiếc lời khen nhà lãnh đạo Nga thẳng thắn và đáng tin cậy. Nhưng quan hệ Nga - Mỹ không hề khởi sắc sau đó mà thậm chí còn leo thang căng thẳng khi Mỹ phát động cuộc chiến trên đất Iraq vào năm 2003 và đỉnh điểm là năm 2008 khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia.
Bà Hillary Clinton không lâu sau khi được bổ nhiệm là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama vào năm 2009 hứa hẹn một trang mới cho quan hệ giữa 2 nước. Nhưng khi rời nhiệm sở vào năm 2013, bà gửi một bức thư lên ông Obama cảnh báo về quan hệ Nga-Mỹ.
Theo The Atlantic, trên thực tế, chính quyền Trump phần nào đó cũng đang đi theo những kịch bản tương tự. Bất chấp những hứa hẹn về việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, Washington trong 2 năm kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, đã liên tục gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức Nga. Chính quyền Trump cũng thông qua thương vụ bán lô vũ khí sát thương với số lượng chưa từng có kể từ năm 2014.
Bất chấp những hoài nghi về giá trị của NATO, ông Trump vẫn triển khai thêm hàng nghìn binh sỹ để củng cố liên minh sườn phía Đông như lời cảnh cáo gửi tới Nga.
Tháng 3/2018, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga liên quan tới vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal. Tháng 2/2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), tiếp tục nhấn mạnh việc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.
"Tôi nghĩ mọi người đã hiểu nhầm về cách chính phủ đang chống Nga. Tôi nhìn thấy điều đó rất rõ ràng. Chúng ta áp đặt trừng phạt với Nga, trục xuất nhân viên ngoại giao là gián điệp, chìa tay với Ukraine, tăng sản phẩm năng lượng làm tổn thương Nga, tăng cường quân đội - điều mà Nga rất ghét. Tôi nghĩ rằng có thể mọi người hiểu nhầm quan điểm cứng rắn của Tổng thống với Nga vì giọng điệu của ông ấy", cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Haley cho hay.
Tuy nhiên, cũng chính trong phát ngôn này, bà Haley thừa nhận vấn đề mấu chốt là không thể giải thích được vì sao Tổng thống Trump lại sử dụng ngôn ngữ mềm mỏng với Nga.
Ông Michael McFaul, cựu giáo sư đại học Stanford nói rằng chính quyền đang tiếp tục và tăng cường các chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Obama với Nga bất chấp những phát ngôn có phần "thân Nga" của ông Trump.
Tuy nhiên, vị chuyên gia hàng đầu về quan hệ Nga-Mỹ này cho rằng việc "tâng bốc" Tổng thống Putin có thể sẽ phản tác dụng khi ông chủ điện Kremlin sẽ vin vào đó để yêu cầu Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Nga hoàn toàn có thể đẩy người đồng cấp Mỹ vào tình thế "há miệng mắc quai" khi viện dẫn lý do rằng Washington luôn tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Matxcơva nhưng chẳng có bất cứ hành động thiết thực nào.
Bình luận