• Zalo

Báo Mỹ: Chiến lược gây áp lực tối đa của Mỹ lên Iran thất bại thảm hại

Thế giớiThứ Ba, 25/06/2019 10:03:00 +07:00Google News

Các quan chức Mỹ tin rằng chiến dịch gây áp lực tối đa sẽ khiến Iran phải quy hàng nhưng thực tế lại khác xa mong muốn đó.

Vào thời điểm hiện tại, Iran không đặt ra mối đe dọa trực tiếp nào với Mỹ. Nhưng nếu chính quyền Trump tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa, Tehran có thể sẽ trở thành mối đe dọa mà chính Washington tạo ra, theo National Interest. 

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump phàn nàn không ngừng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông khẳng định đó là một thỏa thuận tồi tệ, có thể dẫn tới một vụ thảm sát hạt nhân của người Hồi giáo. Cuối cùng, Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 với lý do Iran bí mật vi phạm các thỏa thuận dù Washington không đưa ra được bằng chứng xác nhận cho cáo buộc này. 

trump 1

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: NI)

Kể từ đó, Mỹ theo đuổi chính sách gây áp lực tối đa với các lệnh trừng phạt, sự hiện diện quân sự vô thời hạn ở Iraq và Syria, sự hỗ trợ vô điều kiện cho Ả-rập Xê-út, "đối thủ truyền kiếp" của Iran trong cuộc nội chiến ở Yemen. Các biện pháp này nhằm để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và ngừng tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm ở Syria và Yemen. 

Nhưng theo NI, chiến dịch này đã thất bại thảm hại. Các cuộc đối thoại với chính quyền Obama khiến Iran ngừng làm giàu uranium, nhưng sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tehran đã khôi phục lại hoạt động này. 

Các lực lượng ủy nhiệm Iran cũng không rút chân ra khỏi các cuộc chiến ở Syria hay Yemen và không có tín hiệu nào cho thấy họ sẽ làm vậy. Iran dành nhiều nguồn lực quan trọng để đảm bảo mối liên hệ thân cận với nước láng giềng Syria, cố gắng không để Ả-rập Xê-út và Mỹ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. 

Sau vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman, Mỹ gửi thêm 1.500 quân tới Trung Đông trong một động thái mà Washington gọi là bước đệm để chống lại sự xâm lược của Iran. Động thái này không hề khiến Tehran e dè mà chỉ kéo theo sự phẫn nộ và liên tiếp những cảnh báo đáp trả từ quốc gia Hồi giáo. 

Các quan chức xứ cờ hoa khăng khăng rằng họ không muốn chiến tranh và họ đang làm mọi thứ để Iran "quy hàng". Cách làm này sẽ chọc giận Iran và làm leo thang căng thẳng, theo NI. 

Trong một cuộc phóng vấn hôm 23/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định áp lực tối đa sẽ buộc Iran phải hành động như một quốc gia bình thường. Ông nói thêm rằng tuyên bố tăng trữ lượng uranium làm giàu mà Iran đưa ra hồi giữa tháng 6 là bằng chứng cho thấy những thiếu sót trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 và rằng thỏa thuận này tự thân nó không thể ngăn tham vọng hạt nhân của Iran. 

Nhưng theo NI, tuyên bố của Iran đơn giản chỉ là phản ứng với việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận. Iran khó lòng thuân thủ một thỏa thuận mà quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đang cố gắng làm suy yếu. 

Tổng thống Trump có thể thực sự không muốn chiến tranh, nhưng cách chính quyền của ông đang ứng xử với Tehran không giống vậy. NI cho rằng nếu thực sự không muốn khơi mào một cuộc chiến, Mỹ nên từ bỏ tư thế chuẩn bị cho chiến tranh mà họ đang phô ra mọi lúc, mọi nơi. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn