Video: Bảo mẫu bóp đầu tát trẻ dã man ở Đà Nẵng
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội sáng 22/5, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết rất bất bình khi biết sự việc trẻ mầm non bị bạo hành dã man ở Đà Nẵng.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng những vụ việc bạo hành trẻ em ở các cơ sở tư thục đã được nhắc nhiều trong một vài năm trở lại đây. Hiện nay phương tiện giám sát của người dân cũng cho thấy có sự bất cập trong cơ sở nuôi dưỡng, trông giữ trẻ tư thục.
Bà Hải cũng cho rằng để làm được những công việc như trông trẻ từ mầm non, mẫu giáo... đều cần trình độ nhất định, phải được đào tạo và có phương pháp sư phạm.
“Qua sự việc này cũng như rất nhiều sự việc khác đã xảy ra trước đây, tôi thấy cần có sự rà soát một cách chi tiết, cụ thể hơn với cơ sở trông giữ trẻ tư nhân để đảm bảo về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của những người trông giữ trẻ đó.
Tôi nhấn mạnh lại, muốn hành nghề phải có chứng chỉ, phải được đào tạo tất cả mọi thứ. Tất cả mọi người, mọi công dân phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, phải được đào tạo, hướng dẫn, sát hạch, kiểm tra thanh tra trong lĩnh vực mình hành nghề với bất cứ nghề gì”, bà Hải nói.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh của UBND TP Đà Nẵng. Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã có chỉ đạo sát sao, qua đó sẽ có tính răn đe với với cơ sở, cơ sở tư thục khác tự khắc sẽ phải có chấn chỉnh trở lại.
Về vấn đề ngoài nội dung thi tuyền kiến thức, trình độ, liệu có cần những quy định về vấn đề đạo đức hay không, bà Hải cho biết, mọi cơ sở muốn hành nghề dậy học, trông trẻ dù tư nhân hay nhà nước thì phải được đào tạo về phương pháp, nghiệp vụ sư phạm, trong đó có đạo đức đối với nhà giáo.
Những bất cập đó có thể giải quyết qua thanh tra, kiểm tra tích cực hơn trong thời gian tới.
Bà Hải cho biết thêm, truyền thống người dân vẫn gửi trẻ theo nhóm trẻ gia đình, trong đó có những bảo mẫu được đào tạo bài bản, có kiến thức nhưng cũng có những người chưa được đào tạo gì, chưa có nghiệp vụ nhưng vẫn tham gia vào trông giữ trẻ.
“Đây là nhu cầu có thật của người dân, cần có những cơ sở tư thục để trông giữ trẻ em, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có sự rà soát, đánh giá để đảm bảo chất lượng trong giữ trẻ”, bà Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc clip bạo hành dã man trẻ tại Đà Nẵng, ngày 21/5, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký ban hành Công văn số 3743/UBND-KGVX yêu cầu Chủ tịch UBND quận Thanh Khê khẩn trương kiểm tra thông tin như trên mạng xã hội đăng tải liên quan đến vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (địa chỉ 251/32 đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê).
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Thanh Khê chịu trách nhiệm xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bạo hành trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non nêu trên theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 984/UBND-KGVX ngày 7/2/2018 về công tác chỉ đạo, quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trong thời gian đến; báo cáo Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 23/5.
Chiều 21/5, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, nơi xảy ra sự việc là nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười tại địa chỉ 251/32 đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười được thành lập theo quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 9/5/2013 và do bà Đinh Thị Hồng (có bằng Cao đẳng sư phạm mầm non) làm chủ.
Cũng theo thông tin từ Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, căn cứ vào clip và hình ảnh, người thực hiện các hành động bạo hành với trẻ chính là bà Đinh Thị Hồng.
Hiện bà Hồng đã được Công an phường Chính Gián mời về làm việc. Tất cả 14 trẻ đã được cha mẹ đón về an toàn trong trưa nay. Chủ tịch UBND phường Chính Gián đang tiến hành rút giấy phép và đóng cửa nhóm lớp độc lập tư thục Mẹ Mười.
Bình luận