(VTC News) – Sau khi xem clip bảo mẫu hành hạ trẻ dã man, Phó trưởng phòng GD&ĐT Q.3 khẳng định những bảo mẫu này đi làm vì cuộc sống chứ hoàn toàn không có lòng yêu nghề.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó trưởng phòng GD&ĐT Q.3, TP.HCM đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến việc các bảo mẫu tại nhóm trông trẻ tư thục Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bạo hành trẻ mầm non.
Nói về những đoạn video clip của bảo mẫu hành hạ các cháu ở độ tuổi mầm non, bà Nguyệt phẫn nộ cho biết, dù sự việc đã qua vài ngày, nhưng khi nghĩ tới bà vẫn còn cảm thấy kinh khủng. Không bao giờ có thể chấp nhận được một cô bảo mẫu hành hạ trẻ đến như vậy.
Theo bà Nguyệt, điều đau đớn là các cô bảo mẫu khi hành hạ trẻ em, mặt lạnh như băng, hoàn toàn không có bất cứ cảm xúc gì thể hiện ra ngoài.
Đau đớn hơn, trường hợp chủ cơ sở là Lê Thị Đông Phương có bằng đại học, chuyên ngành mầm non chính quy, nhưng trên thực tế lại hành xử như những người vô học.
“Họ hoàn toàn không có chuyên môn về trông giữ trẻ. Họ đi làm vì cuộc sống, chứ không yêu nghề. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì đừng bao giờ làm nghề trông giữ trẻ” – bà Nguyệt nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều cô bảo mẫu đi làm khi chưa có gia đình, chưa có con nên rất khó có thể hiểu, thông cảm được với cảm xúc của các cháu.
Phân tích của các chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho thấy, việc xử phạt các nhóm trông trẻ tự phát là rất khó.Theo các chuyên gia giáo dục, các bảo mẫu bạo hành trẻ em đi làm đều vì cuộc sống, chứ hoàn toàn không yêu nghề.
Trưởng phòng GD&ĐT Q.11, TP.HCM Lê Nguyên Vịnh kể lại: Các nhóm trông giữ trẻ tự phát rất khó quản lý, nhất là nhiều khi họ chỉ giữ có vài cháu. Khi có đoàn kiểm tra xuất hiện, chủ cơ sở nói chỉ trông giữ con cháu trong nhà, nhưng thực ra là họ toàn giữ trẻ bên ngoài.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt bức xúc: “Việc xử lý theo quy định thì không có gì khó khăn, nhưng khi các cháu đã bị bạo hành rồi thì sẽ còn bị dư chấn tâm lý về sau dài dài”.
Vì thế, trong các đợt kiểm tra, các thành viên chỉ còn biết kêu gọi lương tâm các cô bảo mẫu, nếu yêu nghề thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện hành hạ các cháu”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra tại nhóm trông trẻ tư thục Phương Anh, các quận huyện trên địa bàn TP.HCM đã tăng cường công tác quản lý địa bàn để nắm vững tình hình.
Hiện trên toàn địa bàn Q.3, TP.HCM có 22 trường mầm non tư thục, 13 nhóm trẻ gia đình. Trong vài ngày qua, các chuyên viên của phòng GD&ĐT Q.3 đã liên tục kiểm tra đột xuất tại các nhóm trẻ gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, qua công tác thanh kiểm tra, địa bàn sẽ được nắm vững hơn, đồng thời công tác đảm bảo chuyên môn trong việc nuôi dạy trẻ sẽ được thực hiện tốt hơn.
Tại Q.5, TP.HCM hiện chỉ có 7 nhóm trẻ gia đình được giao về cho các phường quản lý. Từ trước tới nay, phòng GD&ĐT Q.5 hàng quý vẫn đều đặn kiểm tra tại các nhóm trẻ gia đình, nhưng từ khi sự vụ nhóm trông trẻ Phương Anh xảy ra, các chuyên viên vẫn liên tục kiểm tra đột xuất để nắm bắt thông tin.
Cũng tương tự như vậy, tại Q.11, mỗi chuyên viên của phòng GD&ĐT hàng tuần phải đi kiểm tra hai cơ sở mầm non tư thục và gia đình, để tránh những trường hợp giống như nhà trông trẻ tư thục Phương Anh có thể xảy ra.
V.Dũng
Bình luận