(VTC News) – Tình trạng bạo lực học đường đã và đang bộc phát ở mức độ nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng, rất cần được XH nhìn nhận như là một tệ nạn cần phải "chống".
Hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề Phòng chống bạo lực trong học đường do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào chiều 9/4 đều đồng tình với nhận định như trên của TS Huỳnh Công Minh.
Tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự đã cùng nhau chỉ ra nguyên nhân cũng như các giải pháp nhằm chấm dứt hiện tượng bạo lực trong học sinh, trong bối cảnh tình trạng học sinh đánh nhau đang xuất hiện ngày càng nhiều, không những ở TP.HCM mà còn trong cả nước.
GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM TS Huỳnh Công Minh nhận định: Ngày nay, do đời sống XH đang ngày càng được nâng cao, phương tiện thông tin phát triển như vũ bão, ảnh hưởng của cơ chế thị trường dẫn đến XH ngày càng thiếu tính nhân văn...Bạo lực học đường đang thể hiện tính nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng, cần XH nhìn nhận nghiêm túc như là một tệ nạn.
“HS ngày nay có những thay đổi rất đặc biệt, các em rất dễ mặc cảm, tự ti tự kỉ và cũng rất dễ nổi loạn thậm chí rất thích khoe trương quyền lực…mà nhà trường lại chưa kịp đổi mới và đủ sức giải quyết triệt để tình hình tiêu cực này…” – TS Minh khẳng định.Gần 1.000 đại biểu đã đến tham dự Hội thảo chuyên đề Phòng chống bạo lực trong học đường vào chiều 9/4 ở TP.HCM. (ảnh: N.D)
Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM TS tâm lí Đinh Phương Duy nhấn mạnh: Trong XH hiện đại ngày nay, ngày càng xuất hiện nhiều cảnh bạo lực thật bên ngoài XH, trong kinh doanh, trong thể thao, trong gia đình và bây giờ là trong trường học.
TS Duy cho rằng đã đến lúc XH cần có các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, hạn chế một cách tối đa nhất các tác động tiêu cực từ những ấn phẩm độc hại, làm băng hoại tinh thần tuổi trẻ như phim sex, các trò chơi bạo lực xuất hiện đầy rẫy.
Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo chiều nay là các GV, trợ lí thanh niên của các trường THCS, THPT trong TP cũng đồng tình rằng, việc dạy chữ nặng hơn dạy người, môi trường sư phạm chưa đảm bảo, GV chưa gương mẫu, thiếu nghiêm túc và công bằng.... đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến tính cách và tâm hồn thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của đất nước.
Về các giải pháp phòng chống bạo lực trong HS, người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM kiến nghị: Cần tuyệt đối nghiêm cấm các loại trò chơi có tính bạo lực xuất hiện ra ngoài XH, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa 3 môi trường GD là nhà trường – gia đình – xã hội, tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh, cổ vũ và tuyên truyền lối sống đẹp của thanh niên, kiên quyết lên án các hành vi bạo lực trong môi trường học đường…
Trợ lí thanh niên Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) Lê Thị Nga Quỳnh thì đề nghị: Ngay lúc này đây, đã đến lúc cả XH cần phải chung tay giải quyết vấn đề bạo lực trong học đường một cách nghiêm túc và khẩn trương nhất.
Chị Nga Quỳnh đánh giá: “Một gia đình hạnh phúc, một XH thịnh vượng là một gia đình, một XH mà ở đó giá trị con người cần phải đặt lên hàng cao nhất…”
Việt Dũng
Bình luận