Trận chiến ở Santiago - 1962
"Màn trình diễn ngu ngốc, ghê tởm, kinh khủng và ô nhục nhất của bóng đá" là những mô tả của bình luận viên đài BBC khi thuật lại cuộc đối đầu giữa Chile và Italia ở World Cup 1962 (khi đó chưa có tường thuật trực tiếp). Đây được coi là trận đấu bạo lực nhất trong lịch sử giải vô địch thế giới.
"Trận chiến ở Santiago" được châm ngòi bởi truyền thông Italia khi họ chê bai thậm tệ nước chủ nhà Chile từ điều kiện cơ sở vật chất đến con người. Truyền thông Chile cũng đáp trả lại khi vạch tội người Ý là những kẻ phát-xít, mafia.
Trong bầu không khí thù địch, hai đội tuyển biến trận đấu thành một màn bạo lực. Cảnh sát không dưới 3 lần phải vào sân để can thiệp khi các cầu thủ quá khích.
Trận chiến ở Nuremberg - 2006
Chưa đến mức phải để lực lượng an ninh can thiệp như "Trận chiến ở Santiago" nhưng màn so tài giữa Hà Lan và Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 World Cup 2006 có thừa sự bạo lực để được đặt một cái tên tương tự. Trọng tài chính Valentin Ivanov phải rút ra tới 4 thẻ đỏ và 16 thẻ vàng, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử các giải đấu của FIFA.
Khi cầu thủ 2 đội mải đá người hơn là đá bóng, chỉ có 1 bàn thắng duy nhất được ghi. Bồ Đào Nha là đội giành chiến thắng trong trận đấu tai tiếng này.
Nỗi ô nhục ở Gijon - 1982
Trước lượt cuối vòng bảng World Cup 1982, cả Tây Đức, Áo, Algeria và Chile đều còn nguyên cơ hội đi tiếp. Algeria đánh bại Chile và ngồi đợi kết quả cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng còn lại diễn ra sau đó 1 ngày. Kịch bản duy nhất để đại diện của châu Phi bị loại là Tây Đức thắng Áo với cách biệt không quá 2 bàn.
Cuối cùng, trận đấu giữa hai đội bóng châu Âu có kết quả đúng như vậy. Nhưng cách mà trận đấu này diễn ra khiến Algeria và những người hâm mộ đội tuyển này không khỏi ấm ức. Sau khi Horst Hrubesch ghi bàn cho Tây Đức, cầu thủ 2 đội gần như chỉ đi bộ trên sân "giết thời gian" chờ tiếng còi mãn cuộc.
Đây rõ ràng là một màn bắt tay để loại Algeria. Sau đó, FIFA áp dụng quy định các trận đấu ở lượt cuối vòng bảng phải diễn ra cùng giờ.
Bàn thắng ma - 1966
World Cup 1966 là lần duy nhất đội tuyển Anh giành chức vô địch thế giới. Tuy nhiên cách mà Tam sư lên ngôi trên sân nhà lại không khiến các vị khách tâm phục khẩu phục.
Cho đến nay, vẫn không ai xác định được pha ghi bàn mang tính quyết định của Geoff Hurst trong hiệp phụ có thực sự là một bàn thắng hay không. Trọng tài biên Tofik Bakhramov nói có, và đó là phán quyết duy nhất mà người Anh quan tâm.
Video: Bàn thắng gây tranh cãi của đội tuyển Anh ở chung kết World Cup 1966
Niềm tự hào xen lẫn nỗi hổ thẹn - 2002
Hành trình của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002 cho đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Có người gọi kỳ tích của đội bóng xứ kim chi là niềm tự hào của châu Á, nhưng cũng có người khác xem đó là một nỗi hổ thẹn.
Trận đấu ở vòng 1/8 giữa Hàn Quốc và Italia để lại nhiều tai tiếng. Đội đồng chủ nhà thi đấu quyết liệt quá mức cần thiết đến mức bạo lực, trong khi trọng tài thì làm ngơ hoặc chỉ xử phạt nhẹ tay với các cầu thủ Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, ông rút thẻ vàng thứ hai, đuổi Francesco Totti vì lỗi ăn vạ trong tình huống mà lẽ ra Italia phải được hưởng phạt đền. Sau đó là tình huống từ chối bàn thắng vàng của Damiano Tommassi.
Bình luận