Theo AP, những người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử của ông và đã xông vào các tòa nhà quốc hội, tòa án tối cao cùng dinh tổng thống. Diễn biến xảy ra 1 tuần sau khi đối thủ cánh tả của ông Bolsonaro là Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva nhậm chức.
Hàng nghìn người biểu tình đã vượt qua các hàng rào an ninh, trèo lên mái nhà, đập vỡ cửa sổ và tràn vào cả ba tòa nhà. Một số người biểu tình kêu gọi can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho ông Bolsonaro hoặc buộc ông Lula rời khỏi chức vụ tổng thống.
Kênh truyền hình Globo News cho thấy hình ảnh những người biểu tình mặc áo màu xanh lá cây và màu vàng (màu cờ Brazil). Nhiều giờ trôi qua trước khi quyền kiểm soát các tòa nhà trên quảng trường Three Powers rộng lớn tại thành phố Brasilia được thiết lập lại. Hàng trăm người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ.
Trong một cuộc họp báo từ bang Sao Paulo, ông Lula cáo buộc ông Bolsonaro khuyến khích cuộc nổi dậy của những người mà ông gọi là “những kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa phát xít”. Đồng thời, Tổng thống Brazil đọc một sắc lệnh mới được ký để chính phủ liên bang kiểm soát an ninh trong khu vực.
Ông Lula nói: “Những gì họ đã làm là chưa từng có tiền lệ và những người này cần phải bị trừng phạt".
Cựu tổng thống đã bác bỏ lời buộc tội. Ông viết trên Twitter rằng biểu tình ôn hòa là một phần của nền dân chủ nhưng hành vi phá hoại và xâm phạm các tòa nhà công cộng là “ngoại lệ đối với quy tắc”.
Trong nỗ lực giải tán người biểu tình, cảnh sát Brazil đã sử dụng hơi cay. Bộ trưởng Tư pháp Flavio Dino cho biết trong một cuộc họp báo rằng khoảng 200 người đã bị bắt và các sĩ quan đã bắn thêm hơi cay để xua đuổi những người biểu tình kéo dài.
Nhưng với thiệt hại xảy ra, nhiều người ở Brazil đặt câu hỏi về sự chuẩn bị và phản ứng của cảnh sát.
Vụ việc gợi lại vụ tấn công ngày 6/1/2021 vào tòa nhà quốc hội Mỹ của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (khi ông vẫn còn giữ chức vụ). Các nhà phân tích chính trị đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng một "cơn bão" tương tự có thể xảy ra ở Brazil, sau khi ông Bolsonaro đặt nghi vấn về độ tin cậy của hệ thống bỏ phiếu điện tử quốc gia - dù không đưa ra bằng chứng. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được nhiều người công nhận là hợp pháp.
Không giống như vụ tấn công năm 2021 ở Mỹ, rất ít quan chức làm việc tại quốc hội và tòa án Tối cao Brazil khi cuộc biểu tình xảy ra vào cuối tuần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng các cuộc bạo loạn ở Brazil là “cuộc tấn công vào nền dân chủ và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Brazil". Cố vấn an ninh quốc gia của ông, Jake Sullivan đã tiến thêm một bước trên Twitter và nói rằng Mỹ “lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại nền dân chủ ở Brazil".
Biden sau đó đã tweet rằng ông mong muốn được tiếp tục hợp tác với ông Lula.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly viết trên Twitter: “Những nỗ lực bạo lực nhằm phá hoại nền dân chủ ở Brazil là không chính đáng. Tổng thống Lula và chính phủ Brazil nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Vương quốc Anh".
Maurício Santoro, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang Rio de Janeiro cho biết: “Chính quyền Brazil có hai năm để học từ sự cố của điện Capitol và chuẩn bị cho điều gì đó tương tự ở Brazil. Các lực lượng an ninh địa phương ở Brasilia đã thất bại một cách có hệ thống trong việc ngăn chặn và đối phó với các hành động cực đoan trong thành phố. Và chính quyền liên bang mới, như các bộ trưởng tư pháp và quốc phòng, đã không thể hành động một cách quyết đoán".
Những người ủng ông hộ Bolsonaro đã phản đối chiến thắng bầu cử của ông Lula kể từ ngày 30/10/2022, chặn đường, đốt xe và tụ tập bên ngoài các tòa nhà quân sự, kêu gọi các lực lượng vũ trang can thiệp. Người đứng đầu cơ quan bầu cử của Brazil từ chối yêu cầu từ Bolsonaro và đảng chính trị của ông về việc vô hiệu hóa các lá phiếu được bầu trên máy bỏ phiếu điện tử.
Bình luận