"Quá ít! Quá muộn!"
Đó là phản ứng của những người biểu tình "Áo khoác vàng" trước sự nhượng bộ đột ngột của chính phủ Pháp hôm 4/12 về việc hoãn tăng thuế nhiên liệu.
Sau khi Thủ tướng Edouard Philippe đưa ra tuyên bố hoãn thực hiện chương trình tăng thuế nhiên liệu 6 tháng vào chiều 4/12, một ngày sau, 5/12 Bộ trưởng Môi trường Pháp thông báo chính phủ đã hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu. Nhưng trái với kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron, không có sự vui mừng và hân hoan nào từ những người đại diện "Áo khoác vàng" trước sự nhượng bộ này.
Đại diện của nhóm người biểu tình cực đoan suốt 3 tuần qua trên khắp nước Pháp tuyên bố sự nhượng bộ của chính phủ là quá ít và quá muộn. Họ muốn nhiều hơn và phải sớm hơn. Họ muốn được giảm thuế, trả lương cao hơn, để thoát khỏi nỗi sợ hãi tài chính và có một cuộc sống tốt hơn.
Theo New York Times, những yêu sách này của người biểu tình và sự phản ứng chậm trễ của chính phủ cộng với sự oán giận dữ dội ở các thành phố thịnh vượng có nhiều điểm tương đồng với các cuộc nổi dậy dân túy ở phương Tây, bao gồm ở Anh, Italia, Mỹ và ở một mức độ thấp hơn ở Trung Âu.
Nguyên nhân của hầu hết các cuộc nổi dậy này, ngoài việc các yêu sách không được đáp ứng, còn là từ chối sự lãnh đạo của đảng chính trị và các cơ quan chính phủ được coi là không có khả năng giải quyết những bất bình hoặc đưa ra giải pháp chống lại sự bất an về an ninh, kinh tế.
Nhưng điều làm cho cuộc bạo loạn ở Pháp khác biệt là nó đã không đi theo kịch bản dân túy thông thường. Nó không liên kết với một đảng chính trị, không tập trung vào chủng tộc hoặc di cư, không được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo duy nhất. Thay vào đó cuộc nổi dậy chủ yếu là tự phát của tầng lớp lao động không có khả năng chi trả các hóa đơn.
Nguồn gốc cuộc bạo loạn
Các cuộc biểu tình "bắt rễ" từ bên ngoài những trung tâm đô thị giàu có của Pháp. James McAuley, phóng viên tại Paris của tờ Washington Post, đã tới thị trấn Besancon ở vùng nông thôn dọc theo biên giới Thụy Sĩ. Đối với người dân địa phương, thuế nhiên liệu mới của chính phủ như một đòn đặc biệt khắc nghiệt giáng vào sinh kế của họ. "Chúng tôi sống bên một ngọn núi. Không có xe buýt hay tàu hỏa. Chúng tôi phải dùng xe hơi”.
Adam Nossiter của tờ New York Times đã thực hiện một chuyến đi tương tự đến Gueret, ở miền nam nước Pháp, ở đó ông được chứng kiến tình trạng trì trệ và bất mãn ở khắp mọi nơi. "Đây không phải là nghèo đói cùng cực, nhưng sự bất mãn hiện diện ở các thành phố nhỏ, thị trấn và làng mạc - nơi nước Pháp mang một hình ảnh khác với những đại lộ lộng lẫy ở Paris", ông viết.
"Trong lòng xã hội Pháp đang tồn tại những vết nứt chằng chịt và sự tuyệt vọng hậu công nghiệp hiện hữu ở nhiều khu vực. Vì vậy, sẽ là một thách thức khổng lồ cho những nhà lãnh đạo đương nhiệm xóa bỏ hay hàn gắn những vết nứt này, chứ chưa nói đến những chính sách nhạy cảm có thể khiến miệng vết nứt thêm toác rộng", cây viết của New York Times bình luận.
Ở đây, thiếu vắng sự hy vọng vào ngày mai, sự chán nản đang gặm nhấm tầng lớp trung lưu và lao động, những người đã phải chịu đựng gánh nặng từ khủng hoảng tài chính (2008) và cắt giảm ngân sách, theo Niels Planel, tư vấn viên xóa đối giảm nghèo.
Những người mặc chiếc áo gi-lê vàng tràn xuống đường ở khắp nơi trên nước Pháp giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.
Những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt. Giữa nước Pháp thành thị và nông thôn, bất công lớn nhất đang tồn tại là về “mobilité - tính lưu động”. Sự lưu động ở đây là từ giao thông (giá nhiên liệu tăng, các tuyến đường sắt liên tỉnh bị cắt giảm) cho đến cơ hội.
Từ 2018, học sinh nông thôn và thành phố nhỏ ngoại ô ngày càng khó vào các trường Đại học ở thành phố lớn vì phần mềm Parcoursup tạo ra bộ lọc gây tranh cãi về địa lý, khiến một học sinh bình thường trong thành phố đôi khi lại được ưu tiên lựa chọn hơn học sinh giỏi ở ngoại ô hay nông thôn.
Và cuối cùng, sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải. Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande.
Trên thực tế, chương trình tăng thuế nhiên liệu từ lâu là một chính sách "đinh" nằm trong kế hoạch cải cách đầy tham vọng mà Tổng thống Macron tuyên bố sẽ thực hiện để thay đổi nền kinh tế Pháp.
Chương trình thuế nhiên liệu là giọt nước làm tràn ly, nó đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều thập niên ở Pháp bùng nổ.
Thách thức chính quyền Tổng thống Macron
Tổng thống Macron đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Pháp hiện ở mức thấp kỷ lục, chưa đến 30%. "Áo khoác Vàng", mặt khác lại đang được người dân chấp thuận trên 80%, theo Washington Post.
Việc tăng thuế nhiên liệu xuất phát từ mong muốn của Tổng thống Pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon và làm cho nền kinh tế Pháp thân thiện với môi trường hơn. Nhưng ở một đất nước đang khó khăn về kinh tế, một mục tiêu như vậy dễ trở nên phản tác dụng.
Nhóm biểu tình từng lên tiếng: “Chúng ta đang bàn về chi phí sinh hoạt còn Macron lại đang bàn về sinh thái. Giải pháp cho những người không đủ tiền mua thực phẩm vào cuối tháng là mua tấm pin mặt trời và xe điện.”
Tình thế trở nên tiến thoái lưỡng nan khi Tổng thống Pháp từng thề sẽ hồi sinh các hệ thống kinh tế và chính trị, nhưng những cải cách cần thiết để đạt được điều này sẽ tác động đến việc đạt được bất kỳ lợi ích lâu dài nào. Người tiền nhiệm François Hollande phải đối mặt với một thách thức tương tự và đã nhượng bộ khi đối mặt với biểu tình - điều mà ông Macron cam kết sẽ không làm.
Theo giáo sư khoa học chính trị Sheri Berman, "Áo khoác Vàng" phản ánh sự yếu kém về vị trí chính trị của ông Macron và hệ thống đảng Pháp nói chung. Chiến thắng của ông Macron trong cuộc bầu cử phần lớn là kết quả của sự sụp đổ các đảng phái chính trị truyền thống của Pháp. Ông Macron bắt đầu đảng chính trị của riêng mình - En Marche - để hỗ trợ ông, nhưng nó thiếu mạng lưới cơ sở sâu sắc để huy động hỗ trợ cho các chính sách của ông một cách tổng thể.
Thách thức với châu Âu
Theo ông Sheri Berman, trong một nền dân chủ hoạt động tốt, thể chế chính trị tiếp nhận và đáp ứng những nhu cầu và bất mãn một cách có hệ thống, hòa bình. Vì vậy, bản chất không có tổ chức, không có lãnh đạo của phong trào Áo khoác Vàng phản ánh sự suy giảm của các tổ chức truyền thống, đặc biệt là công đoàn, ở Pháp và phần lớn xã hội của châu Âu.
Nó cũng phản ánh sự thất bại lớn hơn của các chính phủ trong việc đáp ứng các mối quan tâm và nhu cầu của người dân.
Đây là tình huống trong đó chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh. Thực tế, cả các nhà dân túy cánh tả, đại diện bởi Jean-Luc Mélenchon và đảng France Insoumise của ông và cánh hữu, đại diện bởi Marine Le Pen và National Rally (trước đây là National Front), đã cố gắng khai thác phong trào "Áo khoác Vàng", tuyên bố phong trào phù hợp với các mục tiêu của họ và nếu họ nắm quyền, các chính trị gia này sẽ giải quyết những nhu cầu đó.
Giáo sư Sheri Berman nhận định, ông Macron lên nắm quyền từng hứa hẹn sẽ là giải pháp cho chủ nghĩa dân túy ở Pháp. Tuy nhiên phong trào "Áo khoác Vàng" đủ để phản ánh ông hoặc không có đủ năng lực hoặc không đủ cá tính để làm điều này. Nếu ông Macron không kiểm soát được khủng hoảng này, "Áo khoác Vàng" có thể trở thành một giai đoạn khác trong sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu.
Các lực lượng cực đoan trên khắp các nước châu Âu đang hân hoan trước tình cảnh của ông Macron. Điều họ muốn là sự thay đổi chính trị ở châu Âu trong cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5 tới. Những biến động hiện nay ở Pháp trở thành điềm xấu và ý nghĩa của nó vượt xa khỏi biên giới một quốc gia.
Cách đây không lâu, ông Macron gọi mình là kẻ thù không đội trời chung với Phó Thủ tướng Ý Salvini và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - hai nhà lãnh đạo theo đuổi chính sách nhằm vào người nhập cư, các đối thủ chính trị và pháp quyền. Nhưng ông Macron nay đang bị suy yếu và cô lập hơn bao giờ hết.
Ông Macron yếu đi sẽ tạo cơ hội cho những người mang tư tưởng cực đoan và dân túy trên khắp châu lục. Nếu không tìm được giải pháp, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tại Pháp năm 2019 có nguy cơ trở thành cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Macron.
>>> Đọc thêm: Video: Khải Hoàn Môn yên bình trước khi bị phá hoại trong cuộc biểu tình ở Pháp
Bình luận