Thời gian qua, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Lý do là sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi suy giảm nhiều về thể lực và có tần suất và chi phí khám, chữa bệnh bình quân cao hơn các nhóm người khác.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với người cao tuổi, sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch suy yếu, khiến cho họ thường xuyên phải đến các cơ sở y tế để điều trị bệnh thì việc tham gia BHYT là rất cần thiết và hữu ích, nhằm đề phòng những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đồng thời, việc thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh BHYT nội trú tạo nhiều thuận lợi cho người cao tuổi tham gia. Với mức đóng không cao nhưng khi nếu chẳng may mắc bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, tận tình và chăm sóc toàn diện.
Nghỉ hưu gần 8 năm, bà Nguyễn Thị Minh (63 tuổi, TP Huế) mắc rất nhiều căn bệnh như huyết áp, thoái hóa khớp nên định kỳ hàng tháng bà đều phải đến Bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và gần đây nhất, bà không may mắc thêm căn bệnh u hốc mắt buộc phải làm phẫu thuật. Quen dần với việc thường xuyên tới bệnh viện, với bà Minh, BHYT trở thành "tấm thẻ vàng" giúp gia đình bà giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Tương tự, bà Trần Thị Liễu (65 tuổi, TP Huế) thường xuyên tới viện điều trị căn bệnh thoái hóa khớp. Càng lớn tuổi, bà càng cảm nhận rõ tầm quan trọng của sức khỏe nên dù đôi khi kinh tế gia đình có phần eo hẹp, thế nhưng, bà vẫn dành ra một khoản tiền để mua BHYT.
Nhờ có BHYT, nên mỗi lần đến bệnh viện để điều trị dài ngày, bà bớt đi phần nào lo lắng về kinh phí khám, chữa bệnh. Bà Liễu chia sẻ, bảo hiểm y tế thực sự là "bùa hộ mệnh" cho người cao tuổi, vì vậy, bà đã động viên các thành viên trong gia đình, bạn bè cố gắng tham gia BHYT.
Nhiều năm qua, nhờ tham gia BHYT, người cao tuổi được thăm khám, chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc hỗ trợ chi trả một phần theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khi khám, chữa bệnh BHYT.
Còn đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Cùng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, riêng năm 2019 - 2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia BHXH, trong đó, đa số là người cao tuổi. Số lượng người cao tuổi được BHXH Việt Nam cấp thẻ BHYT đã tăng từ 8,8 triệu người năm 2016 lên đến 12,1 triệu người năm 2020.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 5% người cao tuổi (tương đương với hơn 500.000 người) chưa có thẻ BHYT. Số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 - 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí, có người cao tuổi dù đã được ngân sách hỗ trợ nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, người già cần nhất là chăm sóc sức khỏe, vì vậy, cần phải vận dụng nhiều cách khác nhau để bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ BHYT. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Chính phủ giao HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi.
Thực tế, thời gian qua, việc hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT được triển khai tại nhiều địa phương, như Hải Phòng quyết định dùng ngân sách địa phương cấp thẻ BHYT miễn phí cho người đủ 70 tuổi - 79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội. Theo bà Đinh Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BHXH TP. Hải Phòng, thực hiện Nghị quyết số 11/2022 quy định về chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng xã hội của HĐND TP. Hải Phòng, tính đến hết tháng 3.2023, cơ quan BHXH đã cấp 4.911 thẻ BHYT đối với người từ 70 - 79 tuổi tại 182 xã, phường, thị trấn. Hiện, các địa phương vẫn đang tích cực rà soát, tổng hợp danh sách, điều chỉnh hàng tháng.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội vừa đề xuất hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi trong giai đoạn 2024 - 2025. Dự kiến, UBND TP. Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật chưa được cấp thẻ BHYT (trình HĐND TP. Hà Nội vào kỳ họp cuối năm 2023).
Theo BHXH Hà Nội, việc hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi là cần thiết. Nguyên nhân là tiền lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng từ 1.7.2023, tương ứng mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng từ 67.065 đồng/tháng lên 81.000 đồng/tháng (tăng 1,2 lần), khiến những người có hoàn cảnh khó khăn hạn chế cơ hội tham gia chính sách. Hơn nữa, việc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho một số đối tượng từ ngân sách thành phố là phù hợp chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế.
Nhận thức rõ việc phát triển BHYT cho người cao tuổi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh Lai Châu cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT ngày càng tăng. Hiện, toàn tỉnh có trên 50.000 người cao tuổi được cấp thẻ BHYT (đạt trên 98%); trong đó, khoảng 25.000 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và 21.232 người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Việc các địa phương dùng ngân sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên vẫn còn rất nhiều địa phương chưa thực hiện được, đặc biệt là các địa phương miền núi. Từ thực tế đó, có ý kiến cho rằng, nên dùng ngân sách để mua BHYT cho người cao tuổi.
Theo Bộ Y tế, về mặt định hướng, ngân sách nhà nước giảm chi cho các bệnh viện nên nguồn kinh phí này có thể được sử dụng để nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.
Bình luận