• Zalo

Bảo hiểm BIC bị tố 'cài hồ sơ giả né bồi thường'

Kinh tếThứ Hai, 16/09/2013 07:37:00 +07:00Google News

(VTC News) – Một khách hàng tại Đà Nẵng vừa lên tiếng “tố” bảo hiểm BIC cài thông tin giả để né trách nhiệm bồi thường.

(VTC News) – Một khách hàng tại Đà Nẵng vừa lên tiếng “tố” bảo hiểm BIDV (BIC) cài thông tin giả để né trách nhiệm bồi thường.

Cài hồ sơ giả né?

Trong đơn kiến nghị gửi Báo Điện tử VTC News, ông Đỗ Lương thường trú tại 181-183 Lê Duẩn, Quận Hải Châu, Đà Nẵng khẳng định để từ chối bối thường, Công ty bảo hiểm BIDV (BIC) cố tình tạo ra các thông tin không chính xác, làm giả hồ sơ tài liệu để né tránh bồi thường.

Theo ông Lương, gia đình ông có đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp khách sạn tại 181 – 183 Lê Duẩn, Quận Hải Châu, Thành Phố Đà Nẵng từ tháng 9/2010 và tuân theo chủ trương của nhà nước về quy định bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng, ngày 24/12/2010, ông Lương có tham gia ký kết Hợp đồng bảo hiểm số 03102598 với Công ty bảo hiểm BIDV Đà Nẵng.

Theo Hợp đồng bảo hiểm, Công ty bảo hiểm BIDV Đà Nẵng có trách nhiệm bồi thường mọi rủi ro trong quá trình xây dựng trong thời hạn bảo hiểm từ ngày 24/12/2010 đến 24/12/2012 và 12 tháng bảo hành xây dựng sau đó.

Bảo hiểm BIDV
Chủ một khách sạn tại Đà Nẵng tố bảo hiểm BIDV cài hồ sơ giả né bồi thường. Ảnh Xuân Mai 

Ông Lương khẳng định, trước khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm số 03102598 ngày 21/12/2010 với BIC Đà Nẵng ông đã gửi cho nhân viên bảo hiểm của BIDV Hợp đồng thi công xây dựng công trình và các tài liệu liên quan về công trình xây dựng thể hiện Công trình khởi công xây dựng từ ngày tháng 9/2010, và cho biết công trình đã được thi công một phần Hạng mục móng đồng thời đề nghị BIC Đà Nẵng kiểm tra toàn bộ Công trình trước khi cấp hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, do việc xây dựng nhà gây thiệt hại cho các nhà dân bên cạnh nên đến ngày 25/01/2011, trên cơ sở đơn thư khiếu nại của các Hộ dân liền kề, UBND Phường Hải Châu 2 lập biên bản, đình chỉ thi công công trình và yêu cầu ông Lương bồi thường cho các hộ dân có liên quan.

Sau khi bị đình chỉ xây dựng và yêu cầu bồi thường, ông Lương đã đề nghị BIC bồi thường bảo hiểm nhưng ngày 11/12/2012, Công ty BIDV Đà Nẵng đã gửi công văn số 260/CV-NV do Phó Giám đốc Phan Ngọc Long ký để thông báo từ chối bồi thường với lý do công việc xây dựng được triển khai trước khi ký hợp đồng bảo hiểm để từ chối bối thường và khách hàng không trung thực trong việc khai báo tình trạng đối tượng bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm.

Liên quan tới nghi vấn có hay không chuyện nhân viên BIDV cài hồ sơ giả theo phản ánh của độc giả, phóng viên Báo Điện tử VTC News đã gặp và phỏng vấn hai ông Võ Dự và Võ Văn Vinh, chủ hai hộ dân trong danh sách đền bù và là người được cho là đã bị nhân viên BIDV cài ký vào hồ sơ giả.

Cả hai ông Dự và Vinh đều thừa nhận, đã ký vào hồ sơ do nhân viên BIC cung cấp nhưng khẳng định thời điểm xảy ra thiệt hại ghi trong hồ sơ là do nhân viên BIC tự viết vào và hai ông ký do nhân viên BIC khẳng định đây là giấy tờ “kiểm tra thực tế, xác minh xem có thiệt hại thật hay không”.

“Chúng tôi tưởng đây là thủ tục để thanh toán tiền bảo hiểm nên ký mà không để ý thời điểm ghi trong biên bản”, cả ông Dự và ông Vinh cho biết.

Hai ông này cũng khẳng định, đã gửi đơn lên UBND phường Hải Châu vào ngày 20/1/2011 và các thiệt hại do công trình nhà ông Đỗ Lương gây ra bắt đầu xuất hiện trước đó vài ngày, tức là thời điểm sau khi ông Đỗ Lương đã ký hợp đồng mua bảo hiểm của BIC.

Nhận thấy việc từ chối bồi thường của BIC Đà Nẵng là phi lý và vi phạm Hợp đồng bảo hiểm và các qui định của pháp luật về bảo hiểm, ngày 19/12/2012, gia đình ông Lương đã gửi đơn khiếu nại và nhiều lần trực tiếp lên xuống Công ty bảo hiểm  BIDV Đà Nẵng để phản ánh.

Đến tháng 2//2013, Công ty bảo hiểm BIDV Đã Nẵng lại gửi Thông báo số 31CV/BIC ĐNg ngày 04/02/2013 là đồng ý bồi thường với số tiền 137.217.000 đồng.

Được biết, số tiền này trên thực tế chỉ tương đương với 1/4 số tiền ông Lương đã phải tự bỏ ra để bồi thường trách nhiệm dân sự cho các hộ bị thiệt hại.

Theo ông Lương, số tiền thực tế gia đình ông đã bỏ ra lên tới hơn 600 triệu đồng còn số tiền bồi thường được xác định bởi các công ty giám định độc lập do các bên lựa chọn và do tòa án quận hải châu TP Đà Nẵng chỉ định và cũng là khoản tiền gia đình ông yêu cầu BIC bồi thường vào khoảng 464 triệu đồng.

Không chấp nhận số tiền bồi thường trên, ông Lương đã gửi đơn kêu cứu đến Cục Giám Sát Bảo Hiểm, Tổng Công ty bảo hiểm BIDV và BIDV Đà Nẵng và được BIC Đà Nẵng phúc đáp lại bằng công văn số 134/CV-GĐBT ngày 01/7/2013 khẳng định “trên giấy yêu cầu bảo hiểm thời hạn xây dựng công trình được thực hiện từ ngày 24/12/2010 đến ngày 24/12/2012 sai lệch so với thực tế là gần 03 tháng theo đó có sự không trung thực trong khai báo khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Công văn cũng khẳng định, “tổn thất nêu trên không thuộc trách nhiệm bồi thường của BIC Đà Nẵng và thông báo bồi thường trước đó tại công văn số 31/CV-BICĐNg đề ngày 04/02/2013 không còn giá trị’.

Do đó, “nếu không thống nhất với ý kiến của BIC Đà Nẵng hai bên có thể giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán theo đúng điều 12 của hợp đồng bảo hiểm’’.

Theo ông Lương, để từ chối bối thường, Công ty bảo hiểm BIDV đã cố tình ghi sẵn các thông tin để đưa các hộ dân ký biên bản, để khẳng định tổn thất phát sinh trước thời hạn bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc làm giả hồ sơ tài liệu này của BIC Đà Nẵng đã bị khách hàng lật tẩy.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Đỗ Lương bày tỏ sự bức xúc về cách làm việc của BIC Đà Nẵng. 

Ông Lương cho rằng, các tổn thất phát sinh đều nằm trong thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết và trước khi nhận bảo hiểm nhân viên BIC Đà Nẵng đã đi kiểm tra đánh giá rủi ro rồi mới nhận bảo hiểm nhưng khi xảy ra sự cố BIC Đà Nẵng lại tìm mọi cách để né tránh trách nhiệm.

“Trước khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm số 03102598 ngày 21/12/2010 với BIC Đà Nẵng, vợ chồng chúng tôi đã gửi cho nhân viên bảo hiểm của BIDV Hợp đồng thi công xây dựng công trình và các tài liệu liên quan về công trình xây dựng thể hiện Công trình khởi công xây dựng từ ngày tháng 9/2010, và cho biết công trình đã được thi công một phần Hạng mục móng, và theo đó chúng tôi đã đề nghị BIC Đà Nẵng kiểm tra toàn bộ Công trình trước khi cấp hợp đồng bảo hiểm.

Do đó, BIC Đà Nẵng không thể nói rằng chúng tôi không trung thực trong việc khai báo tình trạng đối tượng bảo hiểm được và nếu BIC Đà Nẵng nói rằng không biết Công trình đã thi công xây dựng một phần Hạng mục móng tại thời điểm cấp bảo hiểm là điều hết sức vô lý”, ông Lương bức xúc.

Liên quan tới thông tin khai báo trên giấy yêu cầu bảo hiểm, ông Lương khẳng định “giấy này do BIC Đà Nẵng soạn sẵn theo mẫu của đơn vị bảo hiểm rồi in và gửi qua cho chúng tôi ký kết, do đó việc ghi ngày tháng thi công trùng với ngày ký kết Hợp đồng 24/12/2010 là do BIC Đà Nẵng tự thực hiện, là sai sót trong quá trình soạn thảo của chính đơn vị bảo hiểm”.

Theo ông Lương, việc bất nhất trong công tác giải quyết bồi thường của BIC đã khiến khách hàng dài cổ chạy theo hơn 2 năm.

“Chúng tôi tham gia bảo hiểm là để được an toàn hơn và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế đến thời điểm này đã hơn 02 năm qua chúng tôi vẫn chưa nhận được một sự đồng cảm và chia sẻ nào từ đơn vị bán bảo hiểm mặc dù theo hợp đồng bảo hiểm ký kết có điều khoản tạm ứng 50% thiệt hại ước tính’’, ông Lương cho hay.

BIC: Nên ra cơ quan tài phán

Trong công văn phúc đáp Báo Điện tử VTC News, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết: “Đây là vụ việc đang tranh chấp liên quan đến phương án giải quyết bồi thường của BIC đối với hợp đồng bảo hiểm cho ông Đỗ Lương.

Sau quá trình giám định tổn thất, xem xét các điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, và nhiều lần trực tiếp trao đổi, làm việc giữa 2 bên, ngày 1/7/2013, BIC đã có văn bản số 134/CV-GĐBT gửi khách hàng thông báo chính thức về việc từ chối bồi thường kèm theo các căn cứ cụ thể. Tuy nhiên khách hàng không thống nhất với ý kiến của BIC”.

Liên quan tới một số điểm nghi vấn về việc có hay không chuyện nhân viên BIC cài hồ sơ giả, đại diện BIDV không phản hồi trực tiếp vào nội dung câu hỏi của Báo Điện tử VTC News mà chỉ chuyển tới VTC News một số tài liệu liên quan tới vụ việc và cho rằng “Vì hai bên không thống nhất được phương án giải quyết nên hiện BIC đã có đề nghị khách hàng đưa vụ việc ra cơ quan tài phán theo đúng quy định của Hợp đồng Bảo hiểm.

Mọi kết luận về vụ việc bây giờ sẽ do cơ quan tài phán qu‎yết định nên hiện tại BIC không thể đưa ra ý kiến hay quan điểm chủ quan nào về vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như uy tín của BIC.”

BIC cũng khẳng định, đã có văn bản báo cáo chi tiết vụ việc gửi Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm – Bộ Tài chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

VTC News xin đăng tải những câu hỏi chưa có lời đáp từ phía BIDV:

-       - Xin quý công ty cho biết lý do từ chối bồi thường bảo hiểm cho công trình xây dựng do ông Đỗ Lương làm chủ tại số 181-183, Lê Duẩn, quận Hải Châu Đà Nẵng?

-       - Tại sao ban đầu BIC đưa ra mức bồi thường 100 triệu đồng rồi sau đó lại từ chối? Việc từ chối đó dựa trên điều khoản loại trừ nào?

-       - Khi giao dịch với khách hàng, BIC có giải thích rõ cho người mua bảo hiểm biết là khi khai báo thời hạn thi công không đúng sẽ không được bồi thường hay không?

-       - BIC có giải thích các điều khoản và nghĩa vụ cho bên mua bảo hiểm trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm hay không? Nội dung hợp đồng bảo hiểm và giấy yêu cầu có sử dụng chung 1 mẫu do BIC soạn sẵn hay ở mỗi chi nhánh bảo hiểm sẽ có một kiểu hợp đồng riêng?

-       - Giấy yêu cầu bảo hiểm do người được bảo hiểm (bên mua bảo hiểm) điền vào hay do công ty bảo hiểm soạn sẵn trên cơ sở hợp đồng thi công?

-       - BIC đang nghi ngờ công trình có khả năng thiệt hại trước rồi mới mua bảo hiểm, vậy tại sao BIC vẫn ký vào hợp đồng bảo hiểm? Quy trình bán bảo hiểm của BIC có đánh giá rủi ro, xác định rõ đối tượng tài sản cần bảo hiểm mới bán bảo hiểm hay bán bảo hiểm trên giấy tờ mà không cần xác định rõ?

-       Căn cứ điều 21 luật kinh doanh bảo hiểm về việc giải thích hợp đồng bảo hiểm:- Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Như vậy, những điều khoản mà BIC hiểu và vận dụng từ chối bồi thường có được hiểu theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm như luật quy định hay không?

-       Liên quan tới mức bồi thường, BIC có cho rằng giám định độc lập do tòa án nhân dân quận Hải Châu chỉ định có làm cơ sở để giải quyết bồi thường được hay không? Nếu không thì tại sao và BIC sẽ dựa vào giám định nào để đưa ra mức bồi thường?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát và tham vấn ý kiến của các chuyên gia về vụ việc này và sẽ đăng tải trong những bài phản ánh tiếp theo.

Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn