Ba cô giáo dùng can, với múc cơm, chổi, bàn chân và cả dao... để răn đe trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh TP.HCM đang khiến dư luận bức xúc. Trước đó, vụ người giúp việc đánh đập, quăng quật, tung hứng cháu bé gần 2 tháng tuổi với lý do “công việc có nhiều bức xúc” càng khiến các bậc phụ huynh hoang mang.
Trao đổi với PV, TS.Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: "Việc bạo hành trẻ em không thể đổ tại lý do tâm lý hay áp lực. Người thực hiện hành vi bạo hành hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho việc làm của mình".
"Nếu không chịu nổi áp lực thì đừng làm nghề này”, TS.Nguyễn Doãn Phương nhấn mạnh.
Áp lực công việc ở đâu cũng có, nghề nào cũng có. Nhưng hành động đem những đứa trẻ không có sức phản kháng ra để mắng mỏ, đánh đập... nhằm giải tỏa bức xúc có thể để lại những chấn thương về tâm sinh lý nặng nề cho các bé, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của các em.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Lê Công Thiện (Trưởng khoa Tâm thần nhi, viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: "Không nên hiểu đơn thuần rằng cứ đánh trẻ con mới gọi là bạo hành.
Quát, mắng hay dùng lời lẽ không đẹp để nói với trẻ cũng là hành vi bạo hành, nhưng là về mặt tâm thần. Hiện nay, những hành vi bạo hành về mặt tâm thần còn xảy ra nhiều hơn bạo hành thể chất".
Bác sĩ Thiện chia sẻ thêm: "Khi bị đánh đập, bạo hạnh, chửi mắng, hành hạ về thể xác và tinh thần tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà trẻ sẽ phải hứng chịu những chấn thương tâm lý khác nhau. Nhưng hành động như quát, mắng, chửi hay đánh đập đều sẽ để lại ấn tượng xấu đối với trẻ em.
Bởi trẻ có trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn khác người lớn, các em cũng khá hồn nhiên nên việc ghi nhận thông tin cũng khác người lớn. Tùy từng độ tuổi, tính cách, kiểu bạo hành mà mức độ ghi nhận thông tin của trẻ khác nhau, dẫn đến tổn thương tâm lý cũng khác nhau".
Bác sĩ Thiện phân tích, 0-3 tuổi là giai đoạn vàng về hình thành tính cách, thời điểm đó các trẻ sẽ bắt chước hành vi, lời nói của người khác.
Khi người lớn cáu giận hay có hành vi đánh đập người khác mà không được phản hồi, tức là không có người nói với bé rằng đó là hành vi xấu, các bé sẽ mặc định đó là hành vi đúng và học theo.
Bên cạnh đó, một đứa trẻ nếu bị bạo hành quá nhiều thì ngoài tâm lý sợ hại, bé sẽ sinh ra tâm lý chống đối hay chiến đấu lại. Hành vi đánh người của người lớn nếu không được điều chỉnh, các bé sẽ coi là hành vi đúng và hành xử theo, bé sẽ bạo hành lại với người khác.
Thậm chí, việc hình thành hành vi xấu không chỉ xảy ra ở những bé bị bạo hành, mà còn ở cả những bé chứng kiến bạo hành.
Nếu trong nhà, người bố đánh người mẹ, mắng mẹ, các em chứng kiến và nhiễm hành vi đó, dần dần trẻ lớn lên cũng sẽ cáu, sẽ mắng mẹ. Trong nhận thức của bé thì bố là người đúng, vì vậy hành vi đó mặc định là hành vi đúng.
Đối với những trẻ đã hình thành tính cách, hành vi như trên, loại bỏ và thay đổi chúng là rất khó và mất thời gian. Cần phải kết hợp liệu pháp phân tích, nhận thức và hành vi, có sự tham gia của trị liệu, môi trường thực hành,....
Hành vi tốt phải được củng cố, hành vi xấu phải được loại bỏ. Bên cạnh việc thay đổi hành vi, người lớn còn phải thay đổi nhận thức của trẻ, phải giải thích cho trẻ hiểu thế nào là hành động không đúng. Bởi trẻ chỉ đang rập khuôn về hành vi, chứ chưa thực sự hiểu được.
Đề xuất những phương pháp cải thiện tình trạng trên, bác sĩ Thiện cho rằng, cần ứng dụng phương pháp phương pháp giáo dục “kỉ luật không trừng phạt” trong dạy dỗ các bé. Đây không chỉ là quan điểm giáo dục mà đồng thời cũng là luật pháp.
Bên cạnh vai trò của nhà trường, gia đình thì vai trò cơ quan chức năng cũng rất quan trọng. Ngoài cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan quản lí các nhà trường..., cũng đến lúc có thêm những trung tâm phục hồi chấn thương tâm lý cho trẻ.
Video: Xử lý cơ sở mầm non bạo hành trẻ
Bình luận