(VTC News) – Động thái hạ lãi suất của ngân hàng dường như đã không mấy tác động đến thị trường bất động sản. Thậm chí, câu hỏi khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm nhất thời điểm này là “Bao giờ doanh nghiệp bất động sản sẽ chết?”.
Hấp hối...
Một trong những dẫn chứng rõ nét nhất cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề lớn là dù tín hiệu hạ lãi suất đã được phát đi gần gần 1 tháng, nhưng việc giảm giá “không phanh” tại nhiều dự án vẫn tiếp tục diễn ra.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Đại Hưng tại Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản vẫn đang chìm trong khó khăn, không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường có thể tốt lên, kể cả tới cuối năm 2012.
Thanh khoản trên thị trường rất kém, giao dịch chỉ diễn ra thưa thớt ở phân khúc nhà giá rẻ có giá tầm từ 1-1,5 tỷ đồng, nhà đầu tư hầu như không có.
Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc điều hành Batdongsan.com.vn và công ty CP bất động sản B.D.S, cho hay, trong tháng 4 thị trường bất động sản vẫn chưa thấy có chuyển biến gì mới. Ngay cả những dự án “hot” thời gian trước như Kim Chung Di Trạch, Xa La, Văn Khê… nay dù giá đã giảm rất mạnh nhưng giao dịch cũng gần như “bất động”.
Nhiều dự án đang phải tạm dừng do chủ đầu tư không đủ vốn |
Cụ thể: Giá đất liền kề tại dự án Kim Chung Di Trạch hiện đã giảm tới 40-50% so với mức đỉnh, về mức 22-35 tr/m2 tùy vị trí; chung cư Xa La dao động quanh mức giá 20-24 tùy từng tòa từng diện tích, so với trước đây giảm khoảng 10-20%; liền kề Văn Khê có giá từ 65-70 tr/m2 bao gồm xây thô; liền kề Văn Phú đã bàn giao cũng chỉ từ 55-65 tr/m2 đã bao gồm xây thô, thậm chí hoàn thiện đẹp rồi. Chung cư Văn Phú hầu hết là các dự án đang đóng tiến độ đều được rao bán bằng hoặc chênh với giá gốc chỉ hơn 100 triệu đồng, nhiều người chấp nhận bán dưới mức giá gốc.
Theo ông Vũ Phúc Thọ, Phó giám đốc Geleximco, việc hạ lãi suất của ngân hàng Nhà nước gần như chưa tác động nhiều đến thị trường, thậm chí giá nhiều dự án vẫn tiếp tục giảm giá sâu.
"Nhiều nhà đầu tư chưa sẵn sàng rút tiền ra để mua vì lo ngại những rủi ro cũng như chưa biết đến bao giờ thị trường sẽ ấm lên. Chính vì vậy, rất ít người dám vay tiền để mua nhà vào thời điểm này, niềm tin của người dân vào việc khôi phục thị trường là rất ít ỏi", ông Thọ cho hay.
Một tín hiệu khác là việc hàng loạt các khu công nghiệp “chết”, buộc phải thu hồi gần đây, điển hình như khu công nghiệp Tân Tạo, cho thấy việc đổ tiền vào đầu tư phát triển là chưa thấy đâu.
Cách đây không lâu, ngành thuế đã công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền thuế sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có cả những “đại gia” bất động sản.
Điều này cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản thực sự rất khó khăn. Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới rộng tín dụng với bất động sản, nếu tiếp cận được nguồn vốn mới, doanh nghiệp bất động sản cũng chưa thể thoát được khó khăn.
“Vấn đề mấu chốt hiện nay là giá nhà vẫn quá cao, trong khi những đối tượng có nhu cầu thực thì thu nhập chưa thể “vươn tới” mức giá này, nên thị trường vẫn không có thanh khoản. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn phải “chết” dù lãi suất có hạ xuống thấp hơn nữa”, ông Phạm Thành Hưng, Phó tổng giám độc Cen Group cho biết.
Một yếu tố nữa cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đang rất “yếu” là việc hàng loạt các dự án chậm tiến độ. Tại nhiều nơi, công trường thi công gần như bỏ trống, không bong dáng công nhân, cỏ hoang mọc um tùm.
“Việc chậm tiến độ khiến cho niềm tin của nhiều khách hàng bị giảm sút. Không ai dám bỏ tiền ra mua dự án vào thời điểm này vì chưa biết đến bao giờ dự án sẽ hoàn thành”, ông Vũ Phúc Thọ nhấn mạnh.
Bao giờ sẽ chết?
Câu hỏi khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra thời điểm này là "đến khi nào các doanh nghiệp bất động sản sẽ chết hẳn?" Câu trả lời chính xác không ai dám khẳng định tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, sự đi xuống và dấu hiệu trì trệ của các doanh nghiệp bất động sản cho thấy thời điểm nhiều doanh nghiệp sẽ "chết" hẳn không còn xa.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết, quý II này sẽ là thời điểm đáo hạn nợ ngân hàng. Vì vậy, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản hoặc chuyển nhượng dự án để trả nợ ngân hàng.
Ngay từ giữa và cuối năm 2011, trên thị trường bất động sản, chủ đầu tư một số dự án đã “thấm mệt” và tìm cách chuyển nhượng, rút lui khỏi các dự án.
Đơn cử như Tập đoàn FPT đã quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án Tòa nhà FPT 89 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù nội dung thương vụ chuyển nhượng dự án không được tiết lộ nhưng tại đại hội cổ đông, lãnh đạo FPT cho biết, lý do FPT không triển khai dự án này là do hiệu quả dự án mang lại đối với công ty rất thấp.
“Nếu tiếp tục đầu tư thì số vốn cần bỏ ra là hơn 600 tỷ đồng trong khi đó, tỷ lệ sử dụng lại thấp. FPT sẽ dành vốn để tập trung vào các dự án Công nghệ thông tin” vị lãnh đạo này cho biết trên báo chí.
Đây chỉ là một trong số ít dự án được công khai chính thức, còn lại làn sóng mua bán, sáp nhập dự án tại Hà Nội hiện tại đang diễn ra rất sôi động dưới mọi hình thức.
Mới đây, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện có 16 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn.
Cụ thể, có 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài, trước đây liên doanh với bên Việt Nam, chuyển nhượng vốn cho tổ chức kinh tế trong nước và chuyển đổi thành dự án 100% vốn trong nước. 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn từ bên Việt Nam trong liên doanh trở thành dự án 100% vốn nước ngoài. Hai dự án 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng một phần cho tổ chức kinh tế trong nước.
Thống kê cho thấy, hiện nay, các dự án đầu tư nước ngoài vào BĐS đã huy động 494 triệu USD từ các tổ chức tín dụng trong nước, chiếm 13% vốn đầu tư, dưới hình thức vay ngân hàng, vay cổ đông; huy động 1,22 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, chiếm 33% và huy động từ khách hàng 463 triệu USD, chiếm 12%...
Dưới góc độ tích cực, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thị trường đi xuống, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ “chết” phần nào đấy lại là một tín hiệu tốt.
Thứ nhất, thị trường bất động sản thời gian vừa qua đã phát triển quá nóng, đẩy giá bất động sản lên mức quá cao so với giá trị thực. Vì vậy, sự đóng băng và giảm giá sâu của nhà đất thời gian gần đây là một tín hiệu tốt cho người mua nhà.
Thứ hai, thị trường sau khi “chết” sẽ được thanh lọc. Theo đó, những chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính sẽ vẫn có thể tiếp tục phát triển. Trong khi những doanh nghiệp yếu kém sẽ buộc phải xin dừng cuộc chơi.
Châu Anh
Bình luận