• Zalo

Bao giờ đàm phán Nga - Ukraine đi đến hồi kết?

Tư liệuThứ Năm, 24/03/2022 08:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Một tháng sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, câu hỏi được quan tâm giờ đây là khi nào Moskva và Kiev đạt thỏa thuận hòa bình?

Đến nay, Nga và Ukraine liên tục tổ chức các cuộc đàm phán dưới cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến song vẫn chưa có kết quả thực chất, mang tính đột phá để có thể sớm kết thúc chiến sự hiện nay.

Thiếu niềm tin

Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán trực tiếp và đoàn đàm phán hai bên vẫn đang tiếp tục vòng đàm phán thứ 4 dưới hình thức trực tuyến. Cuộc đàm phán trực tuyến mới nhất diễn ra hôm 21/3 kéo dài 90 phút. Bên cạnh đó, nhóm các chuyên gia hai bên cũng có các cuộc thảo luận hàng ngày về tiến trình đàm phán.

Bao giờ đàm phán Nga - Ukraine đi đến hồi kết? - 1

Hội đàm giữa Nga và Ukraine vẫn bế tắc, chưa có đột phá.

Ngoài các cuộc đàm phán chính thức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba ​​gặp nhau bên lề Diễn đàn ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 17/3. Tuy nhiên, hội đàm kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đến nay, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa tạo được bất kỳ bước đột phá thực chất. Hai bên mới chỉ nhất trí thỏa thuận ngừng bắn giúp mở các hành lang nhân đạo và sơ tán người dân Ukraine.

Mặc dù lãnh đạo hai bên cũng phát đi các tín hiệu lạc quan, hy vọng thỏa thuận hòa bình có thể sớm đạt được song lập trường, quan điểm khác nhau, cũng như sự thiếu niềm tin của hai bên được xem là nguyên nhân chính khiến đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có kết quả.

Trong suốt quá trình đàm phán, cả Nga và Ukraine liên tục cáo buộc, đổ lỗi cho nhau kéo dài tiến trình hòa đàm. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/3 cáo buộc Ukraine “câu giờ”, khiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước bị đình trệ. Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine gặp khó khăn do phía Ukraine liên tục thay đổi quan điểm và nhiều lần “bác bỏ các đề xuất của chính họ”.

Chưa hết, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho rằng tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về quy chế của Crimea và Donbass cũng như quy chế trung lập của Ukraine có sự mâu thuẫn, khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn.

Còn theo nhận định giới chức phương Tây, Nga và Ukraine đang nghiêm túc với các cuộc đàm phán hòa bình, song hai bên còn khoảng cách lớn. Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, các động thái của phương Tây hiện nay, như cung cấp vũ khí phòng không tiên tiến cho Ukraine, chắc chắn là nỗ lực cản trở quá trình đàm phán giữa Moskva và Kiev, đồng thời cảnh báo việc triển khai “lực lượng gìn giữ hòa bình” của NATO tại Ukraine có thể dẫn tới các cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga là khó khăn, thậm chí có nhiều bất đồng song cũng cho biết, hai bên đang từng bước tiến về phía trước.

Hiện nay, lập trường của Nga và Ukraine là rất khác nhau. Nga nêu 3 điều kiện kiên quyết với đòi Ukraine để chấm dứt chiến sự, bao gồm công nhận Crimea thuộc Nga và "nền độc lập" của 2 nước cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donetsk, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa và không gia nhập NATO.

Trong khi đó, Kiev tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán khi không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết" nào. Tổng thống Zelensky vạch "lằn ranh đỏ" trong đàm phán với Nga, tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ cúi đầu chấp nhận tối hậu thư của Nga để đổi lấy hòa bình, đồng thời khẳng định bất cứ thỏa thuận nào với phía Nga nhằm chấm dứt xung đột cũng cần thông qua trưng cầu dân ý. 

Có thể nói, khác biệt về quan điểm, thiếu niềm tin chiến lược giữa Nga và Ukraine khiến cho đàm phán giữa hai bên đến nay vẫn chưa có tiến triển. Cả Kiev và Moskva vẫn đang tính toàn lợi ích trong ván bài ngoại giao, chưa chấp nhận nhượng bộ để sớm kết thúc chiến sự. Chừng nào hai bên còn toan tính, nghi kỵ lẫn nhau thì cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao giữa Nga và Ukraine cũng khó kết thúc “một sớm, một chiều”.

Bao giờ đàm phán Nga - Ukraine đi đến hồi kết? - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hy vọng mong manh

Khi chiến sự vẫn tiếp diễn, Tổng thống Zelensky nhiều lần kêu gọi đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin. Ông tuyên bố sẵn sàng thảo luận những vấn đề liên quan tới các vùng lãnh thổ ly khai tại cuộc gặp với ông Putin, cho rằng hai nước sẽ không thể đàm phán chấm dứt xung đột nếu không có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Đáp lại lời kêu gọi từ phía Ukraine, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Ukraine nhưng nhấn mạnh đây phải là sự kiện được chuẩn bị kỹ càng để "mang lại kết quả". Theo Moskva, cuộc gặp của ông Putin và ông Zelensky chỉ có thể được tính đến sau khi Nga và Ukraine hoàn tất đàm phán dự thảo hòa ước.

Trước sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine, các chuyên gia cho rằng, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa Moskva và Kiev chỉ có thể đạt được thông qua cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky. 

Cũng theo giới phân tích, lợi thế trên thực địa thời gian tới sẽ quyết định thành bại của đàm phán giữa Nga và Ukraine trên mặt trận ngoại giao. Đây cũng là yếu tố khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện vẫn giằng co và chưa đi đến hồi kết. 

Nga cho rằng họ đang thắng áp đảo trên chiến trường nên không nhượng bộ trước các đòi hỏi từ Ukraine. Trong khi đó, Ukraine cho rằng, nước này đang cản bước tiến và gây cho quân Nga những tổn thất nặng nề.  Theo Kiev, chiến tranh càng kéo dài thì thương vong, phí tổn và sự phản đối ở trong và ngoài nước Nga càng lớn sẽ khiến Moskva sớm "thu quân" trong "thất bại".

Theo Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovich, chiến dịch quân sự của Nga đang bị đình trệ do các vấn đề hậu cần cũng như sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. Theo ông Oleksiy Arestovich, ngày kết chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine thúc phụ thuộc vào số lượng nguồn lực mà Moskva có thể đáp ứng cho lực lượng quân đội đang tham chiến của nước này.

Bao giờ đàm phán Nga - Ukraine đi đến hồi kết? - 3

 Nga đã tung tên lửa siêu vượt âm Kinzhal hiện đại nhất trong biên chế vào tham chiến ở Ukraine.

Ông Oleksiy Arestovich cho rằng, thỏa thuận hòa bình với Nga có thể đạt được muộn nhất là vào tháng 5, song cũng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì các hành động thù địch có thể tiếp diễn.

Bên cạnh nỗ lực của Moskva và Kiev trong việc tổ chức các vòng đàm phán hòa bình, trên bình diện quốc tế, nhiều nước cũng lên tiếng sẵn sàng làm “cầu nối”, đóng vai trò trung gian hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Moskva và Kiev. Trong số này phải kể đến Belarus, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… Ba vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã diễn ra tại Belarus.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thúc đẩy vai trò Ankara, kêu gọi Moskva và Kiev đàm phán tiềm kiểm giải pháp hòa bình. Thành phố Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ chính là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin cho biết, Nga và Ukraine đang thu hẹp bất đồng về 4 vấn đề chính. Ông nhắc tới yêu cầu của Nga về việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, phi quân sự hóa và bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Theo ông Kalin, cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky là rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, theo ông Kalin, Tổng thống Putin dường như xem lập trường của Ukraine về “các vấn đề chiến lược” của Crimea và Donbass không đủ chặt chẽ để tiến hành một cuộc gặp như vậy.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng được xem là nhân tố đang thể hiện vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy cho hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Ông Bennett đã có các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời đích thân bay đến Moskva gặp ông Putin vào đầu tháng này. Ông trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Đàm phán và cục diện chiến sự trên thực địa trong thời gian tới sẽ cho thấy bức tranh rõ hơn thời hậu chiến. Điều lý tưởng nhất là các bên đạt được giải pháp thông qua thương lượng khi cả Nga và Ukraine cảm thấy các yêu cầu của mình được đáp ứng. Tuy nhiên, những đòi hỏi, điều kiện mà hai bên nêu ra hiện nay là quá khác nhau, do đó sẽ khó có thể có thỏa thuận nếu như một trong hai nước không nhượng bộ. Còn không, Moskva và Kiev cũng cần tính đến cho giải pháp xấu nhất, kịch bản cuộc chiến kết thúc mà không có bất cứ thỏa thuận nào.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp