Việc xin cấp phép phổ biến lại những ca khúc sáng tác trước năm 1975 được coi là hành trình mệt mỏi của các đơn vị phát hành băng đĩa nhạc, đơn vị tổ chức biểu diễn từ nhiều năm nay.
Đầu năm 2008, không ít công ty sản xuất băng đĩa, tổ chức biểu diễn, các nhạc sĩ và cả ca sĩ đều đã khấp khởi mừng thầm khi nghe thông tin Cục Nghệ thuật Biểu diễn lập “Danh mục các tác phẩm trước năm 1975 và hải ngoại được phép phổ biến”. Đã có phép vẫn phải đi xin cấp phép!
Đã có phép vẫn phải đi xin cấp phép!(Ảnh minh họa: Ca sĩ Chế Linh).
Nhiều người cũng hy vọng với việc này, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý văn hóa của Trung ương và địa phương sẽ được cải thiện. Sự công khai cũng giúp các nhà sản xuất không phải than khổ vì phải đi xin từng bài như bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ghi âm công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Băng đĩa nhạc Rạng Đông, từng kêu.
Theo kế hoạch lúc ấy, cục sẽ lập trang web vào giữa quý II/2008, trong đó có cập nhật danh mục tác phẩm được phép phổ biến. Bên cạnh đó, cục sẽ xuất bản ba, bốn tập sách “Danh mục các tác phẩm được phép phổ biến”, khoảng đầu quý IV/2008 sẽ có sách. Tuy nhiên, cho đến nay sách vẫn chưa thấy, còn trang web thì chỉ có danh sách vài trăm bài hát.
Một nhà tổ chức lớn ở Hà Nội tâm sự rằng họ không hề được phổ biến danh mục các tác phẩm đã được phép nên mỗi khi gửi ca khúc lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) để xin phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất chương trình, nếu bài nào có trong danh mục được phép mà sở biết thì được cho, bài nào chưa có thì phải ngưng. Nếu cần, phải làm công văn gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn để xin phép nhưng phải xin nhiều bài cùng lúc thì mới được duyệt nhanh; còn xin một, hai bài là phải mất thời gian chờ tương đối lâu”.
Thực tế, các công ty hay hãng sản xuất băng đĩa xin phép được ca khúc nào thì chỉ có đơn vị đó biết. “Vì mỗi lần đi xin là rất mất công và tốn chi phí nên không ai muốn chia sẻ với người khác” - lãnh đạo một công ty sản xuất băng đĩa cho biết.
Đơn vị khác muốn sử dụng ca khúc đã được cho phép sử dụng phải lặp lại công đoạn thủ tục giấy tờ đi xin, mất thời gian và không khoa học. Còn nhớ đầu năm 2007, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến cho 33 bài hát, trong đó có những ca khúc quen thuộc, như Tình đầu tình cuối (Trần Thiện Thanh Toàn), Ai ra xứ Huế (Duy Khánh)...
Thế nhưng oái oăm thay trước đó, năm 2004, khi làm album vol 6 Em sẽ cố quên, Thanh Thảo đã từng hát Tình đầu tình cuối của tác giả Trần Thiện Thanh (bút danh Trần Thiện Thanh Toàn). NSND Thu Hiền cũng từng hát Ai ra xứ Huế trong album cùng tên từ trước năm 2005, trong khi năm 2007, bài này mới có tên trong danh sách 33 bài hát mới được cấp phép!
Phớt lờ yêu cầu chính đáng
Tình trạng ca khúc đã được cấp phép nhiều lần là không phải hiếm, theo như chia sẻ của bà Trương Thị Thu Dung. Để tránh trường hợp nhập nhằng và gây phiền phức về thủ tục, tốn kém công sức, thời gian của các đơn vị tổ chức biểu diễn và sản xuất băng nhạc, bà Trương Thị Thu Dung cho biết Hiệp hội Ghi âm công nghiệp Việt Nam đã có công văn nhiều lần yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho công khai danh sách bài hát đã được cấp phép phổ biến để mọi người được biết. Nhưng tất cả đều không thấy hồi âm.
Mới đây, ngày 5-4, Sở VH-TT-DL Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề nghị công khai danh sách các ca khúc được phổ biến nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Một chuyên viên của Sở VH-TT-DL Hà Nội thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn “phớt lờ” yêu cầu chính đáng này của các địa phương. Thực tế, việc công khai danh mục bài hát này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ các sở VH-TT-DL mà còn cho cả các công ty sản xuất băng đĩa, công ty tổ chức biểu diễn cũng như nghệ sĩ và cả khán giả.
Nguyên tắc cứng nhắc
Trước quan điểm nên chăng Cục Nghệ thuật Biểu diễn công khai danh sách nhạc sĩ hay ca khúc nào bị cấm, số còn lại xem như được phép biểu diễn để thuận tiện hơn cho các nghệ sĩ cũng như công ty biểu diễn, sản xuất băng đĩa, ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhìn nhận việc này không đơn giản thực hiện. Thực tế, có nhiều nhạc sĩ chưa đưa hết tác phẩm của mình ra phổ biến rộng rãi, cục không có danh mục ca khúc trong tay nên rất khó lập ra danh sách bài nào cấm, bài nào không.
Chính vì thế, ông Thắng khẳng định việc cấp phép vẫn thực hiện trên nguyên tắc nếu đơn vị nào xin phép, sau khi thẩm định, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ cấp phép.
Với quan điểm như vậy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang chọn cách làm dễ nhất, đơn giản và có lợi cho mình nhất bất chấp nhu cầu của công chúng, nghệ sĩ và các nhà hoạt động biểu diễn. Tình trạng cấp phép nhỏ giọt vẫn sẽ còn kéo dài và hàng ngàn ca khúc hay vẫn còn nằm chờ cấp giấy phép.
Theo Người lao động
Bình luận