Nghệ thuật vị nghệ thuật
Mỗi lần nhìn vào số lượng phim tham gia các kỳ liên hoan, Cánh diều, đều thấy rõ số lượng phim giải trí, phim thương mại, thậm chí phim nhảm, mì ăn liền áp đảo những bộ phim mang giá trị nghệ thuật.
Dù các nhà quản lý luôn đốt đuốc kêu gọi tìm kiếm những tác phẩm ‘có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực’.
Trước đây, dòng phim chính luận mang yếu tố nghệ thuật thường được ra đời từ những hãng làm phim nhà nước. Những bộ phim này cũng thường dễ dàng ẵm những giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan phim, Cánh diều.
'Mùi cỏ cháy'
Nhưng điều đáng nói, là những bộ phim này phải chật vật trên đường đến với công chúng, hay nói đúng hơn là công chúng không đón nhận những tác phẩm điện ảnh này. Không biết vì sự khô cứng, lên gân hay ‘lười’ sáng tạo của các nhà làm phim, mà dòng phim này lại kén người xem đến thế.
Còn nhớ, bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng - một phim đánh dấu sự trở lại với phim nhà nước đã hiên ngang ra rạp và mang về con số 35 triệu đồng khiến không ít người choáng váng.
Trước đây, các hãng làm phim nhà nước luôn được mặc định là nơi cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, còn những hãng làm phim tư nhân làm phim giải trí với mục đích thương mại.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, quan niệm này đã hoàn toàn thay đổi.
Chính đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng thừa nhận: Cuối thập kỷ 80, Hãng phim truyện Việt Nam luôn luôn sôi động. 10 phim một năm và đều do Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng và mỗi cuộc tổng kết cuối năm đều như một ngày hội, các nghệ sỹ ra vào, bàn thảo, xem phim, trao đổi kinh nghiệm… rất hay. Vậy mà giờ đây số lượng phim rút xuống còn 1 – 2 phim, thậm chí có năm không có phim nào.
Trong một bài chia sẻ cách đây không lâu, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng, đồng hành với sự suy giảm về số lượng là sự xuống cấp về chất lượng. Trong giai đoạn này, bên cạnh những tác phẩm vẫn giữ được chất lượng tốt, đoạt giải cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, thậm chí có phim còn thu hút được đông đảo khán giả đến rạp, thì lại có không ít phim có nội dung khô cứng, cùng với cách thể hiện sơ sài, áp đặt, thiếu sự tinh tế, sinh động và sáng tạo. Không ít phim chỉ sống thoi thóp ở ngoài rạp được vài buổi chiếu, rồi đem đi cất kho.
Còn những hãng phim tư nhân, sự trỗi dậy mạnh mẽ và áp đảo của họ đã không dừng lại ở mảng phim hài, phim giải trí, thương mại, mà nổi bật cả ở dòng phim nghệ thuật.
Trước đó, Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di cũng đoạt 2 giải của Hiệp hội các nhà phê bình tại Cannes 2010, nhưng ở Việt Nam thì bị cắt xén và chê lên chê xuống.
Sự hờ hững của nhà quản lý đối với những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật đầy sáng tạo đến từ những nhà làm phim tư nhân khiến Cánh diều càng trở nên đìu hiu, khi quanh đi quẩn lại, chỉ mấy ‘ông’ nhà nước ngồi đợi trao giải cho nhau.
Đến bao giờ…
Câu trả lời cho câu hỏi đến bao giờ nền điện ảnh Việt có những phim nghệ thuật bán được vé vẫn khiến nhà quản lý loay hoay.
Phim nhà nước thì quanh quẩn đề tài, lên gân, khô cứng, hô hào khẩu hiệu, ‘ngại’ thay đổi tư duy, và bài ca muôn thuở thiếu kinh phí. Mượn lời đạo diễn Khải Hưng thì: Điện ảnh cũng là nền kinh tế, kinh tế thế nào sẽ quyết định kinh tế điện ảnh thế đấy.
Còn phim tư nhân thì hờ hững, chưa thật sự được đón nhận, chưa có cơ chế đãi ngộ thích hợp để khuyến khích những ông lớn, đại gia sẵn sàng móc hầu bao làm phim nghệ thuật chinh chiến tại các kỳ liên hoan phim, cánh diều trong nước.
‘Đại gia’ Charlie Nguyễn, sát thủ phòng vé với Tèo Em, Long Ruồi, Dòng máu anh hùng…khi được hỏi có ý định làm một bộ phim dung hòa được cả hai yếu tố nghệ thuật và giải trí không ngần ngại thẳng thắn: Hiện tại, chúng ta buộc phải chấp nhận thực trạng này. Bởi những hãng phim tư nhân đầu tư làm phim họ cần mục đích thương mại, các nhà sản xuất sẽ rất e ngại làm những bộ phim phiêu lưu không bán được vé.
Bình luận