• Zalo

Bão giá tại Philippines: Khi hành trở thành quà cưới và hoa cưới

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 27/01/2023 20:48:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hành - thành phần chính trong ẩm thực của Philippines, đã trở thành biểu tượng của chi phí sinh hoạt ngày càng tăng tại quốc gia này.

Theo thống kê chính thức, giá hành tây ở Philippines đã tăng lên khoảng 700 peso, tương đương với 12,8 USD/kg vào tháng trước, cao hơn giá thịt bò và mức lương tối thiểu hàng ngày của người dân quốc gia Đông Nam Á này.

Bão giá tại Philippines: Khi hành trở thành quà cưới và hoa cưới - 1

Hành được lựa chọn làm hoa cưới và quà cười trong các đám cưới tại Philippines. (Ảnh minh họa: ANI)

Hành đắt đỏ hơn thịt

Cô dâu Ilongga ở thành phố Iloilo của Philippines đã chọn tính thực dụng hơn thẩm mỹ khi mang theo một bó hành bước vào lễ đường thay vì những bó hoa cưới rực rỡ truyền thống. Vì đối với cô, sau đám cưới, hoa sẽ héo và bị vứt đi nhưng hành vẫn có thể sử dụng được. Trong khi đó ở Cavite, một cặp vợ chồng mới cưới cũng dùng hành tím làm quà cho những người thân tham dự lễ cưới.

Không phải ngẫu nhiên hành được chọn làm hoa cưới và quà cưới, vì đối với người dân Philippines, hành hiện nay thực sự là một thực phẩm xa xỉ. Lạm phát cao kỷ lục trong 14 năm qua tại Philippines vào tháng trước với giá nhiên liệu và thực phẩm tăng nhanh.

Giá bán lẻ hành tím dao động từ 550 Peso đến 700 Peso/ kg tại các chợ xung quanh Metro Manila vào cuối tháng trước, khiến Philippines trở thành quốc gia có giá hành tây đắt đỏ nhất thế giới. Theo dữ liệu giá bán lẻ các mặt hàng nông sản, mức giá này cao gấp ba lần giá thịt gà và cao hơn 25% so với thịt bò.

Giá cả tăng cao cũng ảnh hưởng đến các quầy thức ăn đường phố ở Cebu, nơi được người dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng. Rau chiên, thịt và hải sản thường được phục vụ với hành tây và nước sốt giấm. Tuy nhiên nhiều người bán hàng đã phải cắt giảm sử dụng hành tây, khiến cho món ăn trở nên thiếu hương vị.

Các chuyên gia cho rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Philippines khiến nhu cầu tăng, trong khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, trong đó có nông dân trồng hành của Philippines.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, đồng thời kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines nhấn mạnh, giá lương thực tăng cao là một vấn đề khẩn cấp, ông phê duyệt việc nhập khẩu hành tây nhằm tăng nguồn cung.

Sau hành là tỏi?

Với lô hành nhập khẩu đầu tiên được chuyển đến gần đây, người tiêu dùng Philippines cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Giá bán lẻ hành tây tím và trắng trồng tại địa phương hiện tại đã giảm nhẹ xuống 200 peso-350 peso.

Tuy nhiên, ngay khi nhiều người bắt đầu mong đợi nhiều món xào có hành tây trở lại, người tiêu dùng lại nhận thấy một đợt tăng giá khác đối với một loại thực phẩm thiết yếu khác trong nhà bếp, lần này là tỏi.

Tại một số chợ ở Metro Manila, các nhà cung cấp cho rằng giá tỏi sản xuất trong nước ngày càng tăng là do nguồn cung thấp. Ngay từ tháng 8/2022, các quan chức Philippines đã cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung cấp tỏi địa phương không thể đáp ứng nhu cầu cho năm 2022.

Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết người tiêu dùng tỏi tiếp tục thích mua tỏi nhập khẩu được bán với giá khoảng 80 peso/kg, hơn là tỏi được trồng và thu hoạch tại địa phương được bán với giá khoảng 300 peso/kg.

Ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thừa nhận ngành nông nghiệp nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi cầu vượt quá cung, gây áp lực lên giá cả và khiến chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài nhập khẩu. Philippines đang trong tình trạng “khẩn cấp” do ngành nông nghiệp bị bỏ bê trong nhiều năm, với sản lượng dưới mức nhu cầu.

Với những cú sốc ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề về chuỗi cung ứng, ông Marcos nhấn mạnh chính phủ phải có nhiều nguồn cung và Philippines đang phối hợp với các quốc gia khác để phát triển mô hình “nhà cung cấp phi truyền thống”.

Theo đó, Philippines sẽ không còn phải lo lắng về nguồn cung vì có thể tự sản xuất đủ cung cấp cho mình trong vài năm tới.

Tổng thống Marcos bày tỏ mong muốn ngành nông nghiệp của đất nước phải thực hiện được mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững cho nông dân, với giá cả lương thực phù hợp với tất cả mọi người cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Một số chính sách cần làm để phát triển ngành nông nghiệp bao gồm hỗ trợ nông dân, cải thiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), áp dụng các giống cây trồng mới...

Ông Marcos cho biết sẽ tiếp tục giữ vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp để tiếp tục thực hiện những thay đổi nhanh và hiệu quả hơn trong cơ quan này.

Phạm Hà(VOV-Jakarta)
Bình luận
vtcnews.vn