• Zalo

Báo động: Xuất hiện lỗ thủng tầng ozone tại Bắc Cực

Thế giớiThứ Ba, 04/10/2011 06:23:00 +07:00Google News

(VTC News) - Biên độ suy giảm ozone tại Bắc Cực đã phá vỡ kỉ lục, lần đầu tiên xuất hiện lỗ hổng ozone tương tự như trên bầu trời Nam Cực.

(VTC News) – Báo cáo của một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố hôm 2/10 cho biết, họ đã phân tích những dữ liệu quan sát được vào mùa xuân năm nay về sự suy giảm ozone trên bầu trời Bắc Cực và đưa ra kết luận: biên độ suy giảm ozone tại Bắc Cực lần này đã phá vỡ kỉ lục, lần đầu tiên xuất hiện lỗ hổng ozone tương tự như trên bầu trời Nam Cực.

Báo cáo này do các nhân viên nghiên cứu đến từ nhiều nước như Mỹ, Canada, Phần Lan, Đan Mạch hoàn thành và được đăng tải trên website của Tạp chí Nature - Anh. Báo cáo cho biết, kết quả phân tích những dữ liệu quan sát được vào mùa xuân năm nay về ozone trên bầu trời Bắc Cực cho thấy biên độ suy giảm ozone tại độ cao từ 18 đến 20 km đã vượt quá 80%, có thể gọi là “hiện tượng chưa từng xuất hiện trong lịch sử”. Mức độ của nó tương tự như lỗ hổng ozone tại Nam Cực. Như vậy, có thể nhận định Bắc Cực lần đầu tiên xuất hiện lỗ hổng ozone.

Lỗ hổng Ozone  

Theo phân tích của các nhân viên nghiên cứu, ozone tại Bắc Cực lần này suy giảm mạnh là do từ mùa đông năm ngoái đến mùa xuân năm nay, giá lạnh tại đây kéo dài một cách bất thường. Trong điều kiện giá lạnh, những hợp chất có chứa Clo có thể phá hoại tầng ozone càng dễ hoạt động khiến lỗ hổng ozone xuất hiện.

Các nhà khoa học này cũng nhận định, sau này Bắc Cực hoàn toàn có khả năng tái xuất hiện lỗ hổng ozone nhưng thời gian cụ thể rất khó dự đoán.


Ozone là thể đồng tố dị hình gồm 3 nguyên tử oxy. Tầng ozone nằm cách mặt đất khoảng 20 km, có tác dụng làm giảm tia cực tím có hại cho cơ thể con người. Vài chục năm trở lại đây, do con người thải ra một lượng lớn các chất phá hoại tầng ozone như Chlorofluorocarbons (CFCs) nên bất cứ lúc nào tầng ozone cũng có thể xuất hiện một vài lỗ hổng, đặc biệt tại khu vực Nam Cực, người ta quan sát thấy lỗ hổng ozone vào mùa đông hàng năm.

Để bảo vệ tầng ozone, năm 1987, cộng đồng quốc tế đã đưa ra Nghị định thư Montreal yêu cầu kiểm soát các chất thải phá hoại tầng ozone như Chlorofluorocarbons (CFCs). Nhưng do các hợp chất có chứa Clo được thải ra tồn tại rất lâu trong không trung nên trong thời gian ngắn rất khó khôi phục những tổn thương đối với tầng ozone.

Sáng Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn