• Zalo

Báo động: Tục bắt vợ người Mông biến tướng

Thời sựThứ Bảy, 21/12/2013 04:14:00 +07:00Google News

Lợi dụng tập tục bắt vợ của người Mông, nhiều kẻ xấu dụ dỗ các cô gái mới lớn giả đưa về làm vợ, rồi chuyển thẳng qua biên giới Trung Quốc.

Lợi dụng tập tục bắt vợ của người Mông, nhiều kẻ xấu dụ dỗ các cô gái mới lớn giả đưa về làm vợ, rồi chuyển thẳng qua biên giới Trung Quốc bán làm vợ hoặc làm gái bán dâm.

Lợi dụng tập tục bắt vợ để buôn bán người

Trung tá Gia Nọ Pó, Phó trưởng Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, gần nửa số dân của huyện là người dân tộc Mông (khoảng 14.000 người). Các đối tượng buôn bán người lợi dụng tập tục bắt vợ của người Mông để lừa các cô gái trẻ đưa sang Trung Quốc bán.

Ngoài ra, đa phần người Mông nơi đây có gốc từ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… nên không ít đối tượng từ phía Bắc vào dụ dỗ về thăm quê cũ, rồi đưa thẳng qua biên giới Trung Quốc. “Nhiều trường hợp, con bị kẻ xấu lừa bán, nhưng gia đình không biết, cứ nghĩ đi chơi nên không khai báo”, trung tá Pó nói.

Những đứa trẻ mới lớn người Mông luôn có nguy cơ “món hàng” của bọn buôn người. (Ảnh một em gái người Mông ở xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: L.H.V.
Những đứa trẻ mới lớn người Mông luôn có nguy cơ “món hàng” của bọn buôn người. (Ảnh một em gái người Mông ở xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: L.H.V. 
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa, tới hết tháng 11/2013, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ buôn bán người, với 6 nạn nhân, đều ở các địa phương dọc biên giới đất liền và biển.

Thượng tá Phạm Đình Thuấn, Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) - lực lượng kiêm phòng chống buôn người, cho biết: “Khi ưng một cô gái, người con trai sẽ bắt cô về nhốt 3 ngày 3 đêm.

Hằng ngày cơm, thịt được đưa tới, nếu cô gái ăn là đồng ý làm vợ, nhà trai sẽ về nhà gái xin cưới; nếu cô gái quyết không ăn sẽ được thả về”. Vì vậy, khi cô gái tới tuổi lấy chồng, nếu có mất tích 2, 3 ngày bố mẹ cũng không tìm, cũng không báo lực lượng chức năng. Khi báo thì đối tượng đã cao bay, xa chạy.


Theo thượng tá Thuấn, không chỉ biên giới đất liền, tình trạng buôn bán người ở các tuyến dân cư ven biển cũng diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng buôn người thường dùng chiêu giới thiệu việc làm lương cao, lấy chồng giàu ở Quảng Ninh, Lạng Sơn… Khi tới nơi, đối tượng nhờ sang Trung Quốc lấy hàng rồi đẩy lên xe đưa đi.

Cuộc điện thoại giải thoát

Năm 2011, Gia Thị S. (ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) lúc đó mới 22 tuổi (với người Mông, đây là tuổi muộn chồng).

Gia Thị S. kể về những giờ phút kinh hoàng trong cuộc đời. Ảnh: L.H.V.
Gia Thị S. kể về những giờ phút kinh hoàng trong cuộc đời. Ảnh: L.H.V. 
Đầu năm đó, qua giới thiệu, Giàng A Tụa (quê huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) tìm đến bản chơi và giới thiệu với bà con là chưa vợ, muốn tìm hiểu gái bản để lấy làm vợ. Sau khi được dân bản đồng ý, Tụa tìm cách tiếp cận S. Do quan niệm trai chưa vợ, gái chưa chồng, S. tuổi cũng đã nhiều, nên bố mẹ không cấm cản. Trong vài tháng đầu, Tụa tới chơi vài ngày lại đi.


“Cuối tháng 5/2011, Tụa xin gia đình đưa em về Lào Cai ra mắt bố mẹ để cưới nhưng bố mẹ em không cho đi. Tối hôm đó, Tụa bàn kế rồi sáng hôm sau đưa em bỏ trốn. Gia đình biết chuyện nên báo bộ đội biên phòng. Khi xe vừa tới đồn biên phòng Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa - PV) thì bị chặn”, S. kể. Sau lần đó, Tụa bỏ đi biệt tăm cả tháng, S. nghĩ Tụa đã đi bản khác. Đầu tháng 7/2011, Tụa lại mò về bản và đưa S. trốn lần nữa.

 

Không chỉ biên giới đất liền, tình trạng buôn bán người ở các tuyến dân cư ven biển cũng diễn biến rất phức tạp

Thượng tá Phạm Đình Thuấn
 
Tụa lên kế hoạch để mỗi người đi một chuyến xe khách từ Mường Lát về TP Thanh Hóa. Tụa đưa cho S. 200 nghìn đồng và sẽ đón ở đấy. Khi S. vừa tới TP Thanh Hóa, thì gia đình gọi điện hỏi, nhưng S. cũng không biết mình ở đâu. Chưa kịp nói thêm, Tụa giật máy nói đang ở Cà Mau (nhằm đánh lạc hướng lực lượng chức năng), rồi thu điện thoại.


Từ TP Thanh Hóa, Tụa bắt xe khách đi Hà Giang và đưa S. sang Trung Quốc. Sau 3 ngày 2 đêm cùng vài lần chuyển xe, S. được đưa lên chiếc xe con chờ sẵn, còn Tụa bỏ đi.

“Nghe hai người đàn ông trên xe nói tiếng Trung Quốc, em mới biết là mình đã bị đưa qua biên giới. Người đàn ông lái xe nói thẳng với em là đã mua với giá 80 triệu đồng”, S. nói. Sau gần một ngày trên xe, cô được đưa tới một căn nhà 5 tầng, và bị nhốt chung với gần chục cô gái khác.


Sau hơn một tuần nhốt cùng phòng, trò chuyện S. mới biết tất cả họ đều là người Việt Nam bị lừa bán, chủ yếu người Mông ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La…

Từ số điện thoại S. gọi về, công an và biên phòng Việt Nam phối hợp với công an Trung Quốc điều tra. Chỉ 3 ngày sau, đường dây buôn người bị phá, S. cùng những cô gái Việt khác được giải cứu và trao trả về Việt Nam, nhưng Tụa vẫn bặt tăm. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang truy tìm tên này.

Theo TPO

Bình luận
vtcnews.vn