• Zalo

Báo động: Hơn 10 triệu người sẽ chết vì điều này?

Sức khỏeThứ Hai, 28/08/2017 06:56:00 +07:00Google News

Vi khuẩn kháng kháng sinh có thể khiến 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2050 nếu việc tiêu thụ thuốc kháng sinh trên thế giới không giảm từ nay đến năm 2050 - đó là một cảnh báo đáng sợ vừa được các chuyên gia lên tiếng.

Hiện, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.900 người bệnh tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh, tương đương 700.000 người thiệt mạng mỗi năm do tình trạng sử dụng quá nhiều kháng sinh gây nhờn thuốc.

Trong báo cáo tại “Hội nghị toàn cầu về các bệnh nhiễm trùng đề kháng thuốc” Lord Jim O'Neill - Chuyên gia kinh tế học, phụ trách dự án được tài trợ bởi chính phủ Anh mang tên “Chương trình đánh giá kháng kháng sinh” đã đưa ra hồi chuông cảnh báo: Ước tính sẽ có tới 10 triệu người chết mỗi năm cùng sự tốn kém chi phí nên tới hàng trăm nghìn tỷ USD.

Thực trạng đáng báo động này xuất phát từ tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng phổ biến và đang trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trên cả ung thư, đái đường, tiêu chảy cấp và tai nạn giao thông.

medicine

Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh 

Cuối những năm 1960 đầu 1970, các bệnh truyền nhiễm tưởng chừng đã được kiểm soát, tuy nhiên, 40 năm sau các bệnh truyền nhiễm vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Mỹ và thứ 2 trên toàn thế giới. Nguyên nhân cũng từ câu chuyện vi khuẩn kháng thuốc này.

Tại sao vi khuẩn lại kháng được thuốc kháng sinh?

Không phủ nhận việc sử dụng thuốc kháng sinh đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và các nước trên thế giới, nhưng việc lạm dụng thuốc này trong bệnh viện, cộng đồng và nông nghiệp đã thúc đẩy tình trạng kháng thuốc.

Video: Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh

Kháng kháng sinh là tình trạng đề kháng của vi khuẩn đối với kháng sinh. Trong những trường hợp lạm dụng thuốc, dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định…, vi khuẩn gây bệnh sẽ phát triển và hình thành kháng kháng sinh, những chủng vi khuẩn không nhạy cảm với kháng sinh vẫn tồn tại, vì vậy rất khó tiêu diệt.

Khi kháng sinh giảm hiệu quả điều trị thì các quá trình can thiệp như mổ ruột thừa, mổ đẻ, hóa trị liệu… và những bệnh nhiễm trùng như viêm bàng quang, viêm phổi… trở nên nghiêm trọng hơn.

Mỗi năm, chỉ riêng tại Mỹ có ít nhất 2 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Hơn 23.000 bệnh nhân trong số này tử vong vì các bệnh nhiễm khuẩn đó. Con số này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới.

Tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng trở nên phổ biến cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Tại Indonesia, tỷ lệ kê đơn kháng sinh không cần thiết lên đến 50% do các bác sĩ lo ngại, nếu không cho kháng sinh bệnh nhân sẽ không khỏi.

Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có tới 30% toa thuốc kê kháng sinh là không cần thiết, tương đương 47 triệu đơn thuốc mỗi năm. Mỗi lần dùng kháng sinh không đúng bệnh, vi khuẩn lại biến đổi để tự vệ và trở nên mạnh hơn.

Làm thế nào để hạn chế được vi khuẩn kháng thuốc?

Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hóa thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn cần phải có thời gian để đột biến.

Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính việc sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.

thuoc thú y

 Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng là một nguyên nhân gây kháng kháng sinh

Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn của ngành y tế, bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Những biện pháp sau được xem là có tác dụng:

Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh.

Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng, nhưng nên nhớ chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.

Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.

Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tùy tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hóa mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc. Nếu có điều kiện, nên lựa chọn kháng sinh sau khi có kết quả làm kháng sinh đồ.

Lê Thạch
Bình luận