(VTC News) – Nhân dân nhật báo Trung Quốc nói những phát ngôn của cựu Đô đốc hải quân Mỹ “sặc mùi thuốc súng” khi nhận xét về những công trình phi pháp của Bắc Kinh tại Trường Sa của Việt Nam.
Tường thuật cuộc họp diễn đàn Hương Sơn mà Trung Quốc mời Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN tham dự diễn ra ở Bắc Kinh, tờ Nhân dân nhật báo nước này sáng nay 18/10 giật lời tựa: Mỹ quăng bom ở Biển Đông, chúng ta không nên mắc lừa.
Cụm tàu sân bay George Washington của Mỹ |
Theo đó, cựu Đô đốc Gary Roughead, chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ chỉ trích Bắc Kinh đang ‘quân sự hóa Biển Đông’ bằng những công trình nhân tạo tại một số điểm đảo, đá tại Trường Sa mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Báo Trung Quốc nói những phát ngôn của Đô đốc Gary Roughead “khiến những người tham dự cuộc họp ngửi thấy mùi thuốc súng”.
Theo đó, ông Gary Roughead nói những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông làm dấy lên thách thức đáng lo ngại và khuyến cáo Bắc Kinh “không nhất thiết phải quân sự hóa” khu vực này.
Bào chữa cho những công trình phi pháp tại Trường Sa, ‘tướng diều hâu’ La Viện cho rằng mục đích những của Trung Quốc trước tiên là “phục vụ dân sự”.
Viên tướng có nhiều phát ngôn hiếu chiến này viện dẫn sự kiện máy bay Malaysia số hiệu MH370 mất tích để nói về “sự cần thiết phải có hải đăng và trung tâm cứu hộ” đặt tại Biển Đông.
Viên tướng họ La thậm chí còn tuyên bố những việc này sẽ “giúp cộng đồng quốc tế tiết kiệm nhiều chi phí cứu hộ”. Trong lập luận phản bác quan điểm của Mỹ, La Viện lớn tiếng yêu cầu để ‘phi quân sự hóa Biển Đông’ thì Washington không được cử tàu chiến hay máy bay trinh thám tiến vào ‘vùng lãnh hải, vùng không phận của Trung Quốc’.
La Viện lớn tiếng thách thức Mỹ “nên suy nghĩ kỹ trước khi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Một điểm đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa |
Theo lập luận của La Viện, khu vực Biển Đông không cần ‘ông chủ’, cũng không cần ‘cảnh sát khu vực’ – cách nói ám chỉ việc Mỹ tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp.
Phớt lờ các chứng cứ lịch sử cho thấy Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, viên tướng về hưu của Trung Quốc nói với giọng ‘ăn vạ’ khi cho rằng Mỹ đã đi ngược lại chủ trương “không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.
La Viện cũng nói Mỹ đi ngược lại ‘nhận thức chung của lãnh đạo Mỹ - Trung về quan hệ giữa các nước lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama đã đồng thuận’.
Cuối bài viết trên Hoàn Cầu thời báo, La Viện lên giọng cứng rắn: “Trung Quốc sẽ không bao giờ khuất phục trước những đe dọa vũ lực của Mỹ”.
Điều đáng chú ý là trước đây, chính La Viện từng hô hào đánh chiếm Senkaku/Điếu Ngư mà cả Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Cũng chính La Viện từng có nhiều phát ngôn hiếu chiến khi đòi thực hiện chính sách cứng rắn, dùng vũ lực ở Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhưng kể từ khi Mỹ điều máy bay trinh sát, săn ngầm P-8A Poseidon đến đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam, viên tướng này dường như không còn những phát ngôn sặc mùi chiến tranh, tư tưởng bá quyền.
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ |
Trong khi đó, tờ Tân Hoa Xã hôm 17/10 cho đăng bài xã luận đầy hằn học về những căng thẳng do chính Trung Quốc gây ra tại Biển Đông.
Báo này so sánh sự kiện Liên Xô xây căn cứ tên lửa tại Cuba thập niên 60 của thế kỷ trước và phản ứng của Tổng thống Mỹ Kenedy khi đó với câu nói “không tha thứ cho sự tồn tại của tên lửa Liên Xô trên đất Cuba”.
Tân Hoa Xã viết: “Điều gì khiến Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc phải chịu đựng việc nước này xua tàu chiến xâm phạm lãnh hải Trung Quốc trong khi chính nước này không chấp nhận sự tồn tại của tên lửa Liên Xô trên đất Cuba – chứ không phải trên đất Mỹ? Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận sự khiêu khích quân sự và khuất phục trước sự đe dọa vũ lực của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào”.
Trước đó, nữ thiếu tướng Diêu Vân Trúc, Chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu quốc phòng Trung – Mỹ, thuộc Học viện quân sự Trung Quốc được mô tả là “đã liên tục chất vấn tướng Mỹ” về khái niệm ‘quân sự hóa Biển Đông’ hôm 17/10 vừa qua.
Ông Gary Roughead, trả lời: “Tôi cho rằng bất cứ tính chất hay đặc điểm nào của một sự vật được dùng vào mục đích quân sự thì đó chính là quân sự hóa, ví dụ như việc xây dựng tại Biển Đông với mục đích quân sự”.
Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, ông Nguyễn Tông Trạch thì cho rằng, Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc ngừng ‘quân sự hóa Biển Đông’ những lại có kế hoạch cho tới 60% tàu chiến của mình hiện diện tại khu vực này là điều phi lý và bộc lộ Washington mới là phía đang quân sự hóa khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vẫn bằng cách lập luận phớt lờ lịch sử, chà đạp luật pháp quốc tế như thường thấy, Tổng thư ký Học viện quân sự quốc tế Trung Quốc, ông Trần Học Huệ nói các đảo của Trung Quốc tại Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) có xây dựng công trình phòng ngự thì điều đó cũng “phù hợp luật pháp quốc tế”.
Ông Trần nói Mỹ “chơi kiểu hai mặt” khi một bên thì đòi Trung Quốc không được quân sự hóa, một bên lại tuyên bố sẽ đưa tàu chiến đến đảo của Trung Quốc (thực chất là những điểm đảo, đá mà Bắc Kinh đang chiếm giữ, xây dựng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam).
Văn Việt Võ
Bình luận