Mới đây, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo quy trình giám định BHYT kết nối với 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Quy trình giám định là tài liệu quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, tác động đến tất cả các đơn vị, cơ quan tham gia vào việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT. BHXH Việt Nam có ít nhất 4 lần ban hành quy trình giám định.
Thực tiễn cho thấy, quy trình giám định theo từng thời kỳ khá phù hợp, có nhiều tác động tích cực, giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu chính trị quan trọng. Trước hết là góp phần bảo đảm tối đa quyền lợi hợp pháp, hợp lý của người tham gia BHYT khi đi KCB. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho các cơ sở KCB; giúp cơ quan BHXH Việt Nam kiểm soát được chi phí”.
Tuy nhiên theo ông Phạm Lương Sơn, quy trình giám định BHYT được ban hành gần đây nhất theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH đã bộc lộ một số nội dung không còn phù hợp, cả trong thực tiễn lẫn quy định pháp lý.
Trong bối cảnh Luật BHYT đang tích cực sửa đổi với nhiều nội dung mang tính đột phá, điều này đòi hỏi quy trình giám định cần được cập nhật theo để phù hợp với cơ sở pháp lý, thực tiễn.
Đặc biệt phải giải quyết được những khó khăn vướng mắc, thậm chí cả những vấn đề đang tranh cãi giữa các cơ sở KCB với cơ quan BHXH.
“Với mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên khi tham gia vào quá trình thực hiện chính sách BHYT, nhất là quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT. Việc sửa đổi bổ sung quy trình giám định BHYT là vấn đề cần thiết, đạt đồng thuận cao của lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và từ phía các cơ sở KCB”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay.
Được biết, quy trình giám định đã được “thai nghén” từ cách đây hơn 1 năm.
Thời gian qua, lãnh đạo BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đã kiên trì, thận trọng, kỹ lưỡng, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để xây dựng dự thảo. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương, các Sở Y tế và các cơ sở KCB với trách nhiệm cao nhất sẽ tập trung tham gia ý kiến để ban hành quy trình giám định hoàn thiện nhất có thể. Trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về mặt pháp lý, giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Cũng tại hội nghị, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh tóan Đa tuyến cho biết: Ngành BHXH Việt Nam đã có 3 lần xin ý kiến bằng văn bản, và tổ chức 2 hội thảo xin ý kiến trực tuyến để góp ý xây dựng quy trình giám định BHYT.
Quy trình giám định BHYT gồm 6 chương, gồm: Quy định chung; Giám định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Giám định điều kiện thanh toán thuốc, vật tư y tế và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Các nghiệp vụ giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Quản lý, khai thác hệ thống thông tin giám định BHYT và quản lý chi KCB BHYT trên các phần mềm nghiệp vụ; Tổ chức thực hiện.
Đặc biệt nhấn mạnh các điểm mới, ý kiến tiếp thu, giải trình liên quan đến quy định trách nhiệm; chứng từ thanh toán; giám định danh mục thuốc, vật tư y tế; giám định danh mục dịch vụ; giám định yêu cầu thanh toán… trong dự thảo.
Cũng tại hội nghị, TS. Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã lưu ý các Sở Y tế, cơ Sở Y tế cần quan tâm đúng mức với công tác sửa đổi và góp ý sửa đổi dự thảo quy trình giám định BHYT.
Quy trình giám định tác động trực tiếp tới các cơ sở KCB. Công tác sửa đổi đang rất cấp thiết, các Sở Y tế, BV cần tham gia có trách nhiệm, góp ý để Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp thu.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã đồng hành và thống nhất với mức độ cao nhất để cố gắng có thể xây dựng được dự thảo, quy trình hoàn thiện hơn, góp phần triển khai ứng dụng CNTT trong thời đại 4.0, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, cũng như việc phải bãi bỏ thủ tục dườm dà, kể cả ở phía BHXH Việt Nam lẫn Bộ Y tế.
Bình luận