Sau bài viết “Nhớ một ngã ba đường phố” (TPCN, 11/6/2023), nhà văn Đắc Trung, nguyên biên tập viên NXB Thanh niên có chủ động trao đổi cung cấp thêm cho tôi một số thông tin.
Ông vốn quen biết với nhiều yếu nhân cách mạng. Ông đã được chọn chấp bút hồi ký “Những ngày sóng gió” cho ông Lê Giản - nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam.
Nhà văn Đắc Trung lưu ý tôi, thời điểm xét xử vụ án ông Tạ Đình Đề (vụ đầu tiên), ông Lê Giản là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, người trực tiếp chỉ đạo xét xử vụ án.
Các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về ông Lê Giản. Nhưng cho đến tận bây giờ, hình như vẫn quá ít ỏi thông tin về vị Chánh án Tòa Tối cao Phạm Văn Bạch - nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam Bộ, một luật sư có tiếng không chỉ ở Việt Nam, 21 năm liền làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao - có công lớn trong việc đặt nền Tư pháp nước nhà vào kỷ cương, pháp luật nghiêm minh.
May mắn qua nhà văn Đắc Trung, tôi đã tìm đến những nguồn tư liệu tin cậy.
Biết ơn sự nhiệt tình của vài nhân mối, trong đó có Phòng tư liệu tuyên truyền Tòa án Nhân dân Tối cao. Nhưng tôi cũng chỉ thu hoạch được ít dòng tư liệu ngắn ngủi về vị Chánh Tòa Tối cao Phạm Văn Bạch sắc sảo nghiệp vụ, liêm khiết tận tụy với nghề.
Ông sinh tháng 6/1910, quê huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh. Từng lấy bằng Tiến sĩ Luật hạng ưu ở Paris năm 1936. Rồi ông về nước được giác ngộ cách mạng. Tiến sĩ Phạm Văn Bạch từng làm Chủ tịch tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, thay ông Trần Văn Giàu, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Miền Nam, Bí thư Đảng đoàn…
Ngày 29/6/1946, luật sư Phạm Văn Bạch được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giới thiệu vào Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 9/1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông được giao các trọng trách như Phó ban Miền Nam của Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Tháng 9/1959, khi thành lập Tòa án nhân dân Tối cao, ông được bầu giữ cương vị Chánh án.
Ông còn là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Luật học; Phó chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa, tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980.
Cũng may mắn có sưu tầm được thêm chút hồi ức của một cán bộ Tòa án tối cao từng gần gũi với ông. Hình ảnh hai thầy trò, sau giờ làm việc ở cơ quan, vị Chánh án Tối cao đã cải trang cùng người cán bộ của mình lặn lội xuống một xóm lao động của Hà Nội trong những năm 70 để tìm hiểu cặn kẽ một vụ kiện. Nhờ có việc làm sâu sát ấy mà gỡ được mối oan khuất…
Nhưng những chi tiết dạng lý lịch trích ngang ấy đã sinh sắc thêm lên bởi tôi may mắn vừa được tiếp cận với cuốn hồi ký “Mùa thu nhớ mãi” tác giả là Phạm Văn Bạch!
Hồi hộp lần giở “Mùa thu nhớ mãi” (bản sao photocopy đã cũ nát, vài trang đã mất), nhưng vẫn nguyên vẹn một hồi ức tươi rói sinh động chuyện của người trong cuộc.
Thấp thoáng hình ảnh cậu bé Phạm Văn Bạch mồ côi mẹ khi mới lên 3 tuổi có cha làm công chức ở Sài Gòn, sau đó về làm hương chức của xã Vĩnh Tế - Châu Đốc. Cậu được ăn học chu đáo nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại, một gia đình địa chủ bậc trung và người cậu ruột. Nhờ vậy nên cậu mới qua được bậc tiểu học ở Trà Vinh và trung học tại Cần Thơ và Mỹ Tho.
Hàng ngày “cậu Hai Bạch” đi xe song mã đến trường và luôn có người theo hầu. Cậu Hai đồng phục học sinh kết nỉ màu nước biển, có viền dây kim tuyến, hình nhánh cây sồi, áo bành tô. Nút áo vàng, phía trước sáu nút, sau lưng có hai nút ngang qua cột quần tây.
Cậu Hai học giỏi, thông minh, khôi ngô, tuấn tú - đùng cái, cậu bị đuổi học, trong nhóm 16 học sinh vì tham gia vụ để tang cụ Phan Chu Trinh.
May mắn, cậu Hai Bạch có được ông Tư, người cậu ruột hết ý. Lần ấy ông cậu đưa người vợ đầm về thăm quê. Vợ chồng ông Tư lo cho người cháu sang Pháp ăn học tới nơi tới chốn.
Cậu Hai Bạch lanh lợi học hành tấn tới. Mọi sự đang ngon trớn thì đùng cái xảy ra chuyện vợ chồng người cậu gia tài sạch bách do làm ăn đổ bể. Cậu phải rời chỗ ăn ở đàng hoàng để về trú trọ ở những nơi rẻ tiền.
Nhưng càng khó khăn, cậu càng quyết tâm học thật giỏi để bọn Tây không thể coi thường. Tuy vậy, khi đã có bằng cử nhân Luật và Triết học, cậu vẫn không xin nổi việc làm, ngay tại một nước văn minh như Pháp bấy giờ.
Năm 1936, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa hạng ưu. Nhưng luận án về đề tài “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô viết” của chàng thanh niên Phạm Văn Bạch đã tạo nên một cú sốc lớn không chỉ với thày bạn trong trường.
“Đọc xong luận án, Chánh chủ khảo là giáo sư Francois Perloux, một người theo chủ nghĩa phát xít đã mời tôi vào quán cà phê, khen luận văn viết lưu loát như người Pháp, hoàn chỉnh về mặt văn phạm, cấu trúc lý luận rất khoa học theo đường lối Mác-xít chính cống, chứng tỏ có nghiên cứu đàng hoàng.
Ông chúc mừng tôi và tỏ ra khâm phục “luận án có tính chất khoa học và nghiêm chỉnh”. Nhưng đồng thời, ông nói riêng với tôi: “Trước hội đồng chấm thi tôi sẽ cho anh qua, nhưng sau này gặp chỗ khác tôi sẽ không cho anh qua đâu, vì tôi hoàn toàn chống đối tư tưởng trình bày trong luận án” (trích hồi ký).
Và một sự lạ đã diễn ra. Chia sẻ những quan điểm trong luận án của Phạm Văn Bạch là một người đẹp, cô Lucelte Chargnioux - Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản tỉnh Rhôme. Hai người yêu nhau.
Những cuộc hẹn hò ở thư viện bảo tàng, những cuộc dạo chơi ở công viên Luc-xăm-bua và những buổi đi chơi ngoại ô, những buổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên… đã giúp cho họ hiểu về nhau hơn.
Sự thông minh, tinh tế và hoài bão của chàng du học sinh An Nam làm cho Lucelte có cái nhìn khác đi về những dân tộc bị áp bức; sự nhiệt thành cùng những kiến thức của người nữ Bí thư Tỉnh Đoàn đã giúp cho Phạm Văn Bạch nhìn rõ hơn hiện thực xã hội Pháp luôn nêu cao tinh thần tự do - bình đẳng - bác ái.
“Qua Lucelte tôi tìm được trong Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết giải pháp đúng đắn cho cả hai vấn đề căn bản: Dân tộc và giai cấp!” (trích hồi ký).
(Đến đây hơi chút bâng khuâng? Có thể khi hoàn tất cuốn hồi ký này, con người đứng tuổi, ông cán bộ Tòa án Phạm Văn Bạch đã như vờ quên đi tình yêu và thời thanh niên sôi nổi của mình? Nên cái đoạn ông kể rời bỏ nước Pháp và Lucelte, cô người yêu trẻ trung xinh đẹp thấy như thiêu thiếu hụt hẫng thế nào?).
Do chỉ thị của mật thám ở chính quốc, về nước tân Tiến sĩ hạng ưu Phạm Văn Bạch bị theo dõi chặt chẽ. Vì thế, ông khó tìm được việc làm ưng ý, phải đi dạy học rồi làm luật sư, có thời gian phải sang Phnôm Pênh hành nghề.
Mãi sau này, khi dấn thân vào con đường cách mạng và gia nhập Đảng Lao động Việt Nam (năm 1946), Phạm Văn Bạch vẫn chưa hề biết Lucelte Chargnioux từng tác động để những người cộng sản Pháp giới thiệu ông với Xứ ủy Nam kỳ…
Cũng mãi sau này ông mới biết người bạn gái của mình đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng Cộng sản Pháp nửa sau thế kỷ XX. Lucelte phụ trách công tác đối ngoại với các nước, các dân tộc, các đảng phái cánh tả trong phong trào các nước không liên kết.
Một chuyện hi hữu. Tháng 9/1954, trong đoàn 9 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc có Phạm Văn Bạch, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đích thân đến tận Thái Nguyên để gặp và làm việc riêng với ông.
Rồi sau này, nhiều lần ông đã vinh dự được gặp và làm việc bên Bác Hồ, được Bác trực tiếp chỉ giáo về công việc Tòa án, về xây dựng Hiến pháp và pháp luật.
“Mỗi lần được làm việc với Bác là mỗi lần tôi được học thêm lề lối làm việc khoa học và khẩn trương, tác phong giản dị, gần gũi quần chúng, đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác”. (trích hồi ký).
Về nghiệp vụ ông ân cần với anh em “Tại hồ sơ tài liệu thu thập được hoặc do những bằng chứng tội phạm thì chưa đủ để xử kết tội bị cáo hoặc tuyên bố là không có tội. Người xét xử phải vô tư, khách quan, nếu thấy sai phải sửa…”.
Ông bộc bạch trong hồi ký “Công việc Tòa án rất nhiêu khê, rối rắm, nhưng khi tháo gỡ được một cái gút nào đó để nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý, thì thật không gì hạnh phúc bằng. Nhiệm vụ của một Chánh án TAND tối cao khiến tôi phải tìm hiểu, soi thấu cho thật công minh…”.
“Có những vụ án khi Giám đốc xét và xử cuối cùng, TAND tối cao phát hiện ra những tình tiết mới chứng minh không thể chối cãi rằng: người đã bị lên án là không có tội, hoặc đáng được khoan hồng, hoặc khẳng định được kẻ bị kết án đúng là đã phạm tội. Theo đó mà bản án được sửa chữa hoặc bổ sung. Còn nhớ trong một vụ án, tôi đã tìm ra kẻ nguyên cáo chính ra phải là bị cáo và như thế vì công lý, vụ án đã đảo ngược…” (trích hồi ký).
Viết đến đây thấy như thấp thoáng hiển hiện cái phần may của ông Tạ Đình Đề. Duyên may bị cáo gặp được bà thẩm phán như Phùng Lê Trân. Và thời ấy, bà đương dưới quyền những thủ trưởng những phụ trách như Phạm Văn Bạch!
Vụ án sau, ông Tạ Đình Đề không còn may mắn như thế...
Và năm 1986, Bao Công Phạm Văn Bạch đã về cõi…
Bình luận