Một phụ nữ Mỹ phải đối mặt với án tù sau khi thực hiện hàng trăm cuộc gọi đến 911 (số điện thoại khẩn cấp quốc gia ở Mỹ, được sử dụng để báo cáo các tình huống như hỏa hoạn, cấp cứu, tội phạm nghiêm trọng...) báo cáo tình trạng cấp cứu giả.
Theo Unilad, tuần trước, Kesha Kennedy (34 tuổi) đã nhận tội phá hoại dịch vụ công cộng, tội báo động giả và 25 tội danh sử dụng sai mục đích hệ thống 911 và đang chờ tuyên án.
Kesha Kennedy được cho là đã gọi 911 gần 400 lần trong khoảng thời gian 4 năm, từ năm 2020, mỗi lần đều phàn nàn về tình trạng sức khỏe không tốt. Thậm chí, cô gọi nhiều lần mỗi tuần và đôi khi gọi nhiều lần trong ngày.
Sở Cứu hỏa Nam Zanesville là đơn vị đã phản hồi các cuộc gọi. Có lần, chỉ vì bận giải quyết một cuộc gọi lừa đảo của Kesha Kennedy mà cơ quan này không thể phản hồi một người đang cầu cứu vì ngưng thở, sau đó người này đã tử vong,
Những trò lừa của Kesha Kennedy kéo dài qua bốn quận khác nhau của tiểu bang Ohio (Mỹ) trong nhiều năm. Theo Văn phòng Công tố Quận Muskingum, Kennedy thực chất đã "sử dụng lực lượng cứu hộ để giải trí cá nhân trong khi đi xe cứu thương đến bệnh viện". Nhưng khi đến bệnh viện, bác sỹ xác nhận cô hoàn toàn khỏe mạnh.
Mỗi lần đến bệnh viện, Kennedy đều được đưa đi bằng xe cứu thương và thăm khám, tất cả được chi trả bằng tiền thuế của người dân thông qua Medicaid.
Trước khi Kennedy nhận tội, một nhà tâm lý học pháp y đánh giá cô ta có biểu hiện mắc "một chứng rối loạn giả tạo, có nghĩa là kẻ nói dối".
Sở cảnh sát Newark đã nhiều lần cảnh báo Kennedy rằng các cuộc gọi 911 giả mạo sẽ khiến cô bị bắt. Tuy nhiên, phải đến khi một sự cố xuất hiện vào tháng 8/2023, cô mới bị bắt giữ.
Trợ lý công tố viên Quận Muskingum John Litle cho rằng, các cơ quan chức năng cần thiết lập một hệ thống tốt hơn để theo dõi các cuộc gọi giả mạo tới 911. “Rõ ràng là cần phải có một số hình thức kiểm tra hoặc cân bằng để tình trạng lạm dụng này được EMS báo cáo nhanh hơn với cơ quan thực thi pháp luật, vì có tới 350 chuyến xe cứu thương vô nghĩa là hoàn toàn vô lý”, Litle nói.
Bình luận