• Zalo

Báo cáo công bằng thuế 2017: Quản lý hành chính thuế ở Việt Nam được chấm 9/10

Kinh tếThứ Sáu, 25/05/2018 11:00:00 +07:00Google News

Ngày 25/5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố báo cáo công bằng thuế Việt Nam năm 2017.

Công bằng trong huy động và sử dụng nguồn lực từ thuế là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam với nền kinh tế chuyển đổi và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy điều hành nền kinh tế cũng cần đặt ra những câu hỏi là chính sách thuế của nước ta đã đáp ứng được tính công bằng đến mức độ nào?

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Vũ Sỹ Cường - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, báo cáo sử dụng bộ công cụ do Oxfam toàn cầu phát triển để đánh giá hệ thống thuế của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.

Các tiêu chí được sử dụng trong bộ công cụ này gồm tính lũy tiến của hệ thống thuế, tính đầy đủ của ngân sách, tính công bằng qua việc phân tích về miễn giảm thuế, hành chính thuế, công bằng qua chi tiêu Chính phủ và trách nhiệm giải trình.

28_5_hieu+qua+quan+ly

 

Theo đó, Việt Nam được đánh giá khá cao về tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, báo cáo vẫn thấy có nhiều điểm đáng lưu tâm như: Các khoản thu về phí và lệ phí (trừ phí trước bạ) chiếm gần 10% tổng thu ngân sách (năm 2016) với khoảng 100 loại phí và gần 50 loại lệ phí; khoản thu về đất ngoài thuế tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách (cao nhất lên tới 11% tổng thu ngân sách). Trong nguồn thu này, thu về tiền sử dụng đất chiếm khoảng 80%. Các nguồn thu này không bền vững do chỉ thu một lần.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu thực trạng vấn đề trốn tránh thuế và quản lý thuế của Việt Nam hiện nay do những tác động của các chính sách miễn giảm thuế vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là thuế doanh nghiệp. 

Trong báo cáo, tính công bằng trong chi tiêu công cũng được xem xét. Theo đó, chi ngân sách ở Việt Nam cho những dịch vụ công cơ bản như giáo dục và y tế ở Việt Nam cũng được đánh giá khá tốt. Chi cho giáo dục chiếm khoảng 18 - 20% tổng chi ngân sách nhà nước (2014 - 2016). Ngoài ra, chi y tế chiếm khoảng 7% (2016), chi nông nghiệp chiếm hơn 6% (2012) tổng chi ngân sách nhà nước.

Về vấn đề quản lý hành chính thuế, khía cạnh này được đánh giá khá cao theo thang điểm của FTM (9/10 điểm). Tiếp theo là nguồn thu đủ với điểm số là 8/10. Chi tiêu thuế vì người nghèo được đánh giá với điểm số gần 6/10.

Từ những phân tích và đánh giá theo khung khổ của Chỉ số Công bằng Thuế (FTM), báo cáo rút ra một số khuyến nghị như cần phải thận trọng trong đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng; nỗ lực ban hành các loại thuế tài sản phù hợp thay vì tăng thuế tiêu dùng; rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với doanh nghiệp; giữ vững hướng cải cách tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế; tiếp tục thực hiện các cải cách để tăng hiệu quả trong quản lý hành chính thuế...

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn