COVID-19 khiến thị trường bánh Trung thu năm nay được dự báo sụt giảm mạnh, nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng, lâu đời dự kiến giảm khoảng 30% sản lượng so với mọi năm. Một số thương hiệu bánh kẹo lớn cũng có kế hoạch cho riêng mình.
Tuy nhiên, trái ngược với thị trường bánh truyền thống, bánh Trung thu handmade hay bánh Trung thu nghệ thuật lại đang ngày càng được nhiều người lựa chọn, thậm chí số lượng bánh bán ra tăng nhanh mỗi ngày, càng gần đến Tết Trung thu càng đắt khách.
Chị Lê Hằng, chủ thương hiệu bánh trung thu nghệ thuật Luna Cake có 3 năm kinh nghiệm trong ngành làm bánh nghệ thuật chia sẻ: "Lúc đầu, tôi chỉ làm cho vui và vì đam mê với nấu nướng, nhưng càng làm càng ham. Những mẻ bánh đầu tiên tôi đem biếu gia đình, bạn bè.
Sau đó được nhiều người ủng hộ và khuyên nên làm để bán tôi mới bắt đầu mày mò và đổ nhiều công sức, tiền bạc để phát triển thương hiệu bánh riêng của mình".
Chị Hằng cho biết, bánh Trung thu nghệ thuật làm mất nhiều thời gian hơn loại bánh truyền thống gấp từ 5-7 lần. Quan trọng nhất là khâu làm các chi tiết hoa, lá, hình trang trí trên thân bánh.
"Toàn bộ những khâu này đều phải làm thủ công chứ không thể làm bằng máy, chính vì thế số lượng sản xuất cũng không thể lớn như những loại bánh thông thường trên thị trường. Ngoài ra, để bánh đạt được vị ngon từ trong ra ngoài cũng phải nướng nhiều lần", bà chủ Luna Cake chia sẻ.
Theo chị Hằng, mọi năm số lượng công ty du lịch đặt bánh để tặng khách hàng nước ngoài dịp Trung thu là rất lớn, nhưng năm nay lượng khách này giảm đi rõ rệt, thậm chí mất hẳn nguồn thu từ những khách hàng này. Tuy nhiên, nhiều công ty khác lại đặt với số lượng lớn để làm quà cho nhân viên.
Chủ thương hiệu bánh trung thu nghệ thuật Luna Cake cũng khẳng định nếu so với năm ngoái thì năm nay lượng hàng đặt trước có phần nhỉnh hơn do nhu cầu về loại bánh này ngày càng lớn mà giá thành cũng chỉ nhỉnh hơn bánh truyền thống dao động từ 65.000 - 100.000 đồng/chiếc.
Điểm mạnh của loại bánh này là mẫu mã đẹp, nhìn sang trọng, lạ mắt và rất dễ đặt bánh theo yêu cầu của mỗi người.
Ngoài những loại nhân bánh quen thuộc như thập cẩm, đậu đỏ, hạt sen... cơ sở của chị Hằng còn phát triển thêm những loại đặc biệt có giá thành cao như đông trùng hạ thảo.
"Thời điểm này gần bước vào cao điểm khách đặt bánh nên lò bánh nhà tôi mới chạy 50% công suất, mỗi ngày cho ra lò khoảng 400 - 500 cái để phục vụ khách lẻ và khách công ty. Cao điểm có ngày làm khoảng 1.000 cái vẫn không đủ để trả cho khách.
Mỗi vụ bán hơn chục nghìn chiếc bánh là bình thường. Từ Rằm tháng 7 cho đến Trung Thu chính hội là thời gian chúng tôi hoạt động nhiều nhất. Nhiều khi làm hết công suất vẫn không kịp trả hàng nên đành huỷ đơn, không nhận thêm đơn của khách mới", chị Hằng nói.
Tuy nhiên, mặt hàng này có một điểm yếu đó là vấn đề bảo quản không được lâu như bánh trên thị trường bởi không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng chỉ được khoảng 1 tuần và phải để ở nơi thoáng mát.
Bình luận