Sáng 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt phá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, người cầm đầu tổ chức tín dụng đen trên là Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM).
Thành bàn bạc với Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) thống nhất mở công ty chung để hoạt động tín dụng đen, lấy tên là Công ty Nam Long.
Tuy nhiên, công ty này là công ty ''ma” bởi không hề đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng nhưng vẫn đặt trụ sở chính tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.
Công ty ''ma” này kinh doanh cho vay tài chính dưới hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày.
Lợi dụng sự cả tin, nhu cầu cần gấp nguồn tiền vay của người dân, nhóm đối tượng này đánh lừa rằng đang hợp tác với ngân hàng để cho vay tín dụng.
Mức lãi suất mà các đối tượng cho vay lên đến trên 300%/năm. Mỗi ngày, người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay và hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày.
Nếu quá thời hạn thì người vay phải trả cả gốc và lãi tăng thêm 2,5% tổng số tiền vay. Ngoài ra, công ty này còn hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi là 15-30%/ngày. Đối tượng cho vay là cá nhân có tài sản đảm bảo, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp.
Sau khi vay tiền, người dân sẽ bị các đối tượng đưa ra nhiều khoản thu ngoài hợp đồng và sẵn sàng thực hiện biện pháp mạnh để khống chế người vay.
Thời kỳ đỉnh cao, “Tập đoàn Nam Long” phát triển quy mô với hàng chục chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hiện tại, cơ quan chức năng đã thống kê được có khoảng 200 người bị hại chuyển tiền vào hàng chục tài khoản của công ty ở nhiều ngân hàng.
Thống kê sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Nam Long cho thấy, số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực, tại 63 tỉnh thành.
Khi người dân chậm nộp tiền vay sẽ bị các đối tượng đến tận nhà đe dọa, cưỡng đoạt tài sản. Thậm chí, có 1 người vay nợ đã thiệt mạng sau trận đòn dằn mặt hội đồng của những kẻ côn đồ.
Đối với nhân viên, công ty này đã xây dựng, ban hành các quy định để quản lý. Các quy định rất khắt khe, mang tính khống chế, đe dọa bằng các hình phạt tiêu cực như: Nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng; Chặt ngón tay; Hủy hoại bản thân và gia đình; "Đánh đòn sa thải"; "Phạt cải tạo trong công ty...
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá tổ chức tín dụng đen núp bóng dưới cái tên “Công ty Nam Long”.
Công an Thanh Hóa cũng quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng giao dịch dân sự, khởi tố 9 bị can. Trong đó, 7 bị can đang bị tạm giam 4 tháng, 2 bị can Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong đang bị truy nã.
Hiện công an Thanh Hóa đang phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh thành trong cả nước để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Bình luận