Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an Lâm Đồng vừa triệt phá một băng nhóm tội phạm có hành vi Lừa đảo chiếm đoạn tài sản với thủ đoạn mới.
Họ sử dụng thuốc hướng thần (thuốc lú) để lừa những người có điều kiện kinh tế, công ăn việc làm ổn định.... nhưng có “máu đỏ đen” chơi đánh bài, xóc đĩa ăn tiền, rồi chiếm đoạt tài sản.
Nhiều nạn nhân vì lý do cá nhân không khai báo với cơ quan chức năng, chấp nhận mất tiền để được yên thân, dung dưỡng cho kẻ xấu hoành hành.
"Mẻ lưới" vây bắt hơn 20 nghi phạm cờ bạc bịp
Từ tháng 3, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện thông tin một số người chuyên nghề “cờ bạc bịp” giăng bẫy lừa những người có “máu đỏ đen” chơi bài Tây, xóc đĩa rồi chiếm đoạt tiền của họ.
Trước việc này, thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh và đại tá Vũ Nhân Khánh - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ đạo Phòng PC45 cùng Công an 2 huyện Lâm Hà, Đức Trọng lập chuyên án theo dõi, đấu tranh.
Nguồn tin trinh sát xác định, một số kẻ chuyên nghề cờ bạc ở địa phương, câu kết với một số người từ các tỉnh Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương chia thành từng nhóm nhỏ đi tìm “mồi”. Chuyên án mang bí số LH317 đấu tranh với tội phạm “cờ bạc bịp” được thành lập. Ban chuyên án dựng lên 50 người, tập trung theo dõi, đấu tranh.
Từ tháng 3 đến tháng 6, công an tổ chức lực lượng bắt quả tang thành công 2 vụ đánh bạc tại TP Đà Lạt, bắt 5 người, thu trên chiếu bạc tiền tang vật gần 150 triệu đồng; xác định có 2 bị hại bị lừa với số tiền gần 500 triệu đồng. Đây là khâu đột phá để Ban chuyên án khai thác mở rộng, bắt 16 người tiếp theo.
Đến tháng 8, cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ Vũ Duy Văn (34 tuổi, ở Tân Hà, huyện Lâm Hà). Biết công an truy lùng gắt gao, vào các ngày 22, 23/8, Nguyễn Hoàng Thuận, Nguyễn Phú Dũng (41 tuổi, cùng trú huyện Lâm Hà) đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đầu thú.
Thủ đoạn dùng "thuốc lú"
Từ những vụ bắt quả tang các nghi phạm đang gài bẫy bị hại chơi cờ bạc bịp, công an thu giữ rất nhiều phương tiện, tang vật, thu được mẫu thuốc, ma túy, chất gây hưng phấn cho người sử dụng...
Thủ đoạn được dựng lên như sau: nhóm người lên kế hoạch chuẩn bị gây án khá kỹ lưỡng, bài bản. Họ “nghiên cứu”, tìm hiểu về nhân thân, nghề nghiệp của người sẽ bị chúng đưa “vào tròng”.
Đó phải là những người có điều kiện kinh tế, có tài sản, có công việc thuận lợi, có mối quan hệ xã hội ổn định rồi chủ động tiếp cận, tổ chức ăn nhậu. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của bị hại, chúng bỏ một lượng thuốc hướng thần vào.
Do thuốc này có vị đắng nên họ thường chọn bia. Sau đó quan sát thấy nạn nhân ngấm thuốc thì rủ rê, bày ra các trò đánh bài hoặc xóc đĩa ăn tiền.
Khi bị hại thua, họ cho vay tiền để chơi tiếp. Khi số tiền đã lên tới vài trăm triệu hoặc cả tỷ đồng thì chúng yêu cầu viết giấy nợ. Nội dung giấy nợ chúng thường đọc cho người vay, ghi vay để làm ăn, cầm xe...
Trong số các bị hại, có 2 người là chủ thầu xây dựng, 1 người là chủ một vựa hoa có tiếng ở Đà Lạt. Một số nạn nhân công tác tại cơ quan nhà nước, mặc dù các nghi phạm đã khai nhận hành vi lừa họ tham gia chơi cờ bạc bịp để chiếm đoạt tài sản nhưng có nạn nhân không thừa nhận việc mình là bị hại vì sợ bị mất việc.
Trường hợp một chủ thầu xây dựng, chúng tiếp cận bị hại, nói cần sửa chữa căn nhà rồi đưa bị hại tới coi. Tại đây, họ tổ chức đánh bài, mời chủ thầu xây dựng cầm bài hộ, mời uống bia có bỏ thuốc hướng thần, sau đó lừa chiếm đoạt tiền của bị hại.
Các nghi phạm khai nhận, nguồn gốc thuốc từ Trung Quốc, mua của một số người ở Quảng Ninh, Hải Phòng với giá khoảng 5 triệu đồng/lọ.
Đại tá Phạm Hồng Tuấn - Trưởng phòng PC45, Trưởng Ban chuyên án cho biết, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản bằng thủ đoạn gài bẫy bị hại dùng "thuốc lú" đã xảy ra ở các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định... Đến nay, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án, truy quét loại tội phạm này.
Do đó, mọi người cần cảnh giác khi có những người khả nghi, chuyên nghề cờ bạc tiếp cận, làm quen, mời ăn nhậu...
Nếu lỡ bị rơi vào tình trạng có những biểu hiện bất thường về tâm lý, người nhà phải gặng hỏi hoặc bị hại phải chủ động báo ngay với người thân, chính quyền địa phương. Khi bị đòi nợ trong những tình huống như trên phải báo các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thượng tá Lương Đình Chức - Phó trưởng ban Thường trực Ban chuyên án cho biết, qua làm việc với một số bị hại, nhiều người vì ngại với người thân, gia đình, không muốn ai biết mình có thói xấu đánh cờ bạc hoặc muốn yên ổn công việc, giữ ghế ngồi ở các cơ quan nhà nước nên giấu cơ quan điều tra, không chịu khai báo.
Việc này sẽ dung dưỡng cho hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lộng hành. Cần tuyên truyền rộng rãi thủ đoạn của băng cờ bạc bịp này để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh những hệ lụy phát sinh phức tạp.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân - Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ngành y học không có thuốc lú mà chỉ có thuốc hướng tâm thần (gọi tắt là thuốc hướng thần) có tên khoa học là Seduxen, tác dụng chính là điều trị lo âu và một số biểu hiện bệnh lý khác, như điều trị cấp tính cho các bệnh nhân bị hội chứng động kinh, co giật.
Trong khoa tâm thần, thuốc để điều trị các trạng thái kích thích, bồn chồn, hoảng sợ có nguồn gốc từ trạng thái kích động mê sảng. Người sử dụng phải theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tất cả thuốc hướng thần nói chung có tác dụng làm ru ngủ, êm dịu thần kinh, làm cho con người mất sự tỉnh táo. Khi nạn nhân đang rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ không làm chủ được hành động của mình, dễ bị người khác lợi dụng, sai khiến. Có thể hiểu như một hành động “thôi miên”.
Người uống phải "thuốc lú" này thường sẽ cảm thấy đau đầu nhưng rất hưng phấn, quá khích, không nhớ sự việc gì xảy ra. Sau 48 tiếng mới đào thải hết thuốc. Khi nhớ ra mọi chuyện thì đã “dính bẫy” nợ nần. Lúc này, các nghi phạm kiếm cớ đòi tiền, khủng bố tinh thần, chửi bới, ném chất thải vào nhà... buộc phải trả tiền mới yên thân.
Bình luận