• Zalo

Bằng chứng lịch sử, pháp lý về Hoàng Sa và Trường Sa

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 03:04:00 +07:00Google News

(VTC News) - Qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

(VTC News) - Qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.  

Đó là những bằng chứng lịch sử và pháp lý được trưng bày tại buổi Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng nay (10/10), tại Quảng Ninh.

Phát biểu tại triển lãm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, mới đây, Trung Quốc tiếp tục xuất bản bản đồ phi lý với đường lưỡi bò 10 đoạn, bất chấp sự phản đối và lên án của các nước. Trung Quốc còn tăng cường xây dựng trên các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung DOC, đe dọa an ninh trên Biển Đông và khu vực.

Trước tình hình đó, việc sưu tầm, thẩm định và công bố các tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tăng cường tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông, đào Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc tại buổi triển lãm - Ảnh MK 

Tư liệu bản đồ, văn bản, ấn phẩm, hiện vật trưng bày lần này là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam và từ các nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.

Đó là những phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt từ bao đời khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ chiếm hữu, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong hơn 400 năm qua và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Triển lãm được tổ chức với mục đích góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; giúp  bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu được sự thật lịch sử, hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Bộ Thông tin và Truyền thông, đào Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc
Thư tịch cổ Việt Nam về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được trưng bày tại triển lãm - Ảnh MK 

Triển lãm lần này được tổ chức như là sự tri ân các thế hệ người dân Việt Nam đã đổ mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, đồng thời cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với đồng bào ở trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền tải tới thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh MK 

Theo Ban Tổ chức cuộc triển lãm, với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, gồm các nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ Thông tin và Truyền thông, đào Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc
Các châu bản của Triều Nguyễn được trưng bày tại triển lãm - Ảnh MK 

Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 - 1945)

Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam;

Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Bộ Thông tin và Truyền thông, đào Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan và nghe giới thiệu về các tư liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm - Ảnh MK 


Bộ Thông tin và Truyền thông, đào Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc
Bức ảnh Bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1938, trên bia có khắc dõng chữ tiếng Pháp với nội dung: “Cộng Hòa Pháp - Đế chế An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938) trưng bày tại triển lãm - Ảnh MK

Trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế” được thể hiện rất sinh động thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Điều này thể hiện qua các phong trào, chương trình hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa như: Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa; góp đá xây dựng Trường Sa; triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương…

Triển lãm diễn ra từ ngày 10/10 đến ngày 14/10/2014, tại TP Hạ Long và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).  

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn