• Zalo

Ban tổ chức Olympia xử lý có công bằng với thí sinh?

Giáo dụcThứ Sáu, 29/06/2012 10:45:00 +07:00Google News

(VTC News)- PGS.TS Võ Thị Bạch Mai, hiệu trưởng trường THPT năng khiếu TP.HCM cho rằng cách giải quyết của ban tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” là không hợp lý

(VTC News)- PGS.TS Võ Thị Bạch Mai, hiệu trưởng trường THPT năng khiếu TP.HCM cho rằng cách giải quyết của ban tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” là "có cũng như không" và không hợp lý.

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai- hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu TP.HCM cho rằng ban tổ chức giải quyết sự việc không hợp lý và không đảm bảo quyền lợi của thí sinh 

- Lãnh đạo nhà trường suy nghĩ gì khi nhận được thông báo của ban tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” về cách giải quyết việc sai câu hỏi?

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Vào 22h45 ngày 27/6, tôi nhận được thông báo chính thức từ ban tổ chức chương trình. Thông báo mà chỉ nói rằng nhận lỗi và giữ nguyên kết quả thì đối với tôi nó không thực sự hợp tình hợp lý.

Khi ban tổ chức biết sai thì phải sửa để công chúng biết được tính tích cực của mình. Nếu nhà đài chỉ nói rằng xin lỗi không thì không thuyết phục được tôi, không thuyết phục được công chúng.

- Trong kiến nghị cô gửi lên Đài truyền hình Việt Nam, lãnh đạo nhà trường đã trình bày những điều gì, thưa cô?

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Trong công văn nhà trường gửi cho VTV thì tôi cũng nói rằng chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” có sức thuyết phục với học sinh, sinh viên và những người ham mê hiểu biết kiến thức.

Trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM cũng tổ chức cuộc thi để tìm ra thí sinh xuất sắc tham dự.

Tuy nhiên trong chương trình Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” 2012 có những sai sót. Tôi chỉ đề cập đến câu sai ở môn Toán còn câu ở phần thi “Vượt chướng ngại vật” thì để mọi người phán xét.

- Với tư cách là lãnh đạo nhà trường có kiến nghị phản ánh, cô có đồng ý với cách giải quyết sự việc của ban tổ chức?
Khi được hỏi nhận định về kết luận của ban tổ chức, Á quân Đường lên đỉnh Olympia 2012 Thân Ngọc Tĩnh  từ chối bình luận về cách giải quyết này.

Tĩnh cho biết, hiện tại em đang tập trung ôn tập cho kỳ thi đại học sắp tới.



PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Ban tổ chức đưa ra trả lời như vậy sao được. Nếu chưa nắm được kỹ chương trình thì anh phải xem lại xem các thí sinh trả lời như thế nào.

Trong trường hợp đưa ra cách giải quyết là vẫn giữ nguyên kết quả theo tôi chuyện đó là không thể có được, không chấp nhận được.

Tôi thấy rằng cách giải quyết đó là không thuyết phục.

Tại sao ở chương trình “Đường lên đỉnh Olympia 2009” khi ban tổ chức phát hiện ra sai và có sửa thì tại sao lần này ban tổ chức chương trình không sửa. Như vậy, tôi thấy rằng cách giải quyết như vậy là không hợp lý.

Tôi nghĩ là cách giải quyết đưa ra phải đừng để thiệt thòi cho một học sinh nào. Nếu ban tổ chức chọn cách giải quyết là giữ nguyên kết quả thì thôi cũng không cần giải quyết mà cứ “âm thầm” để như vậy thôi.

- Thân Ngọc Tĩnh và Đặng Thái Hoàng đều chia sẻ rằng khi kết thúc chương trình và ký vào bản công nhận kết quả của cuộc thi thì mọi khiếu nại sau đó đều không có giá trị. Đó là luật chơi của chương trình. Vậy cô nghĩ gì về điều này?


PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Thời điểm đó vừa thi xong thì em nào có đủ thời gian để xem xét lại câu trả lời đó đúng hay là sai. Mình không thể nói như thế được. Chính quần chúng, các nhà khoa học, bạn xem truyền hình sau chương trình thì nhận ra câu hỏi đó là sai. Như vậy sai thì mình phải sửa chứ!

Nếu nói là thí sinh không được khiếu nại sau trận đấu sau khi đã ký vào bản công nhận kết quả thì thật là vô lý. Nếu bây giờ mà lỡ sai rồi thì phải sửa để cho các lần thi sau.

Ở đây, câu hỏi đó là một câu hỏi sai. Câu hỏi sai thì phải sửa câu hỏi đó. Không thể nói việc ban tổ chức ra câu hỏi sai rồi lại nói thí sinh không được quyền khiếu nại. Có luật nào mà kỳ cục vậy?

- Theo cô, trong trường hợp này ban tổ chức cần phải có cách giải quyết như thế nào để đảm bảo sự công bằng của cuộc thi?

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Theo tôi, câu nào sai thì phải bỏ câu đó, không tính điểm câu đó. Điểm của từng thí sinh như thế nào thì tính lại điểm cho các em. Tôi thấy giải quyết như vậy mới là công bằng.

Thậm chí, tôi theo dõi trên các báo mạng đều đưa ra các thăm dò ý kiến về cách giải quyết của trường hợp này. Trong đó có đề xuất: tổ chức thi lại; bỏ câu sai; các ý kiến khác.

Mọi người đều đồng lòng với một tỉ lệ rất lớn với phương án là bỏ câu sai, không tính điểm câu sai.

Liệu rằng ban tổ chức có nên trao thêm một giải Nhất cho Thân Ngọc Tĩnh? (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Như vậy, cô có đánh giá gì về hành động này của ban tổ chức cuộc thi?

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai:  Ban tổ chức vẫn bảo lưu kết quả có nghĩa là không có hành động sửa sai. Tại sao cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” 2009 thì ban tổ chức sửa sai còn lần này thì không?

Cách giải quyết như vậy của ban tổ chức liệu có công bằng với các thí sinh không? Cần phải có cách giải quyết công bằng để cho các thí sinh các năm sau tham dự có thể thấy rằng ban tổ chức đã luôn đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Còn nếu sai như vậy mà ban tổ chức chỉ “nghiêm túc nhận khuyết điểm” thì sao lại để thiệt thòi về thí sinh. Tôi thấy cách xử lý như vậy là chưa thỏa đáng.

- GS Lê Văn Lan có ý kiến cho rằng ban tổ chức nên tổ chức thi lại cho hai thí sinh Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh. Cô có đồng ý với phương án này không?

PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Tôi không đồng ý với phương án này bởi vì cách đó quá tốn kém và khí thế của các em thí sinh khi được tổ chức thi lại thì cũng giảm đi nhiều rồi.

- Thưa cô, ban tổ chức cuộc thi nên có sự rút kinh nghiệm gì cho các năm sau?


PGS.TS Võ Thị Bạch Mai: Năm sau, ban tổ chức phải làm rất kỹ. Phải có sự phản biện đề thi một cách kỹ lưỡng và phải bảo mật đề thi. Nếu giải quyết một cách hợp lý thì năm sau ban tổ chức thấy rằng sẽ có rất nhiều người ủng hộ mình.

- Sau sự việc này, cô có sự quan tâm nào đối với thí sinh Thân Ngọc Tĩnh?


PGS.TS Võ Thị Bạch Mai:Tôi có yêu cầu gia đình Tĩnh tạo mọi điều kiện để em có thể tập trung ôn thi ĐH vì cũng chỉ còn có mấy ngày nữa là thi rồi. Gia đình đừng để cho em bị xao động vì sự việc này rồi ảnh hưởng đến kết quả thi ĐH. Chúng tôi muốn để em Tĩnh thật thoải mái để ôn thi ĐH.


Nói về khả năng và con người Tĩnh thì hãy để cho mọi người coi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đánh giá em.

Xin cảm ơn cô!

PGS.TS Văn Như Cương: Đề thi sai nên công nhận 2 nhà vô địch

 

Đề thi ra là rất vớ vẩn. Không ai có thể đưa ra dữ kiện 3 mặt trời = 2 ngôi sao. Ở đây câu hỏi đưa ra 3 mặt trời = 2 ngôi sao định nói về cái gì vậy?  Khó hiểu vô cùng. Trong toán học không có chuyện bằng như vậy. Như vậy, ở đây có chuyện rất ẩu về mặt ra đề thi.

Đây không thể là một câu hỏi IQ mà là một bài toán giải phương trình. Nếu đặt phương trình ra có thể tính luôn ra đáp án ngay.

Ban tổ chức phải thành thật nhận lỗi sai của câu hỏi sai đó. Ở câu hỏi đó sai nhiều vấn đề chứ không chỉ sai một cái đáp án.

Bốn đáp án ra đều không chính xác và ngôn từ đề bài ra 3 mặt trời = 2 mặt trăng là một sự vô lý. Không có cuốn sách giáo khoa nào viết như thế. Vậy người ra đề thi là học ở đâu?


Em thí sinh Thái Hoàng đưa ra đáp án là C (6 mặt trời) là sai nhưng vẫn cho 30 điểm. Đó là điều vô lý. Tất nhiên phải sửa chữa điều đó. Trong mọi cuộc thi đều có phúc khảo. Ở đây nếu bớt đi của em thí sinh này 30 điểm thì em không còn đạt giải Nhất nữa.

Cách tốt nhất để VTV giữ được uy tín của cuộc thi là công nhận 2 nhà đồng vô địch: Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh.

VTV nên làm việc với nhà tài trợ để bổ sung nguồn kinh phí cho một giải nhất nữa, còn nếu không được thì  giải thưởng của nhà vô địch có thể chia đôi, như rất nhiều nhà khoa học chia nhau số tiền thưởng của giải Nobel.

Bạn đọc bình luận về cách giải quyết sự việc của Ban tổ chức chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" 2012 xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!



 




Phạm Thịnh
(thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn