• Zalo

Ban tổ chức Olympia nhận sai sót, giữ nguyên kết quả

Giáo dụcThứ Năm, 28/06/2012 06:35:00 +07:00Google News

(VTC News)- Đêm ngày 27/6, ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã chính thức đưa ra thông tin phản hồi sau sự cố sai câu hỏi, nghi án “lộ đề”.

(VTC News)- Đêm ngày 27/6, ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã chính thức đưa ra thông tin phản hồi sau sự cố sai câu hỏi, nghi án “lộ đề”.


Được biết, chiều 27/6, ban Tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và Ban cố vấn chương trình đã cùng làm việc để xem xét lại toàn diện những vấn đề liên quan đến cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 mà báo chí phản ánh trong những ngày gần đây.

Sơ suất đáng tiếc

Ở phần thi Tăng tốc, theo Luật thi của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12, có 4 câu hỏi dạng tư duy logic, câu hỏi bằng hình ảnh với độ khó giảm dần và câu hỏi thứ nhất là một câu hỏi IQ.

Câu hỏi IQ tại cuộc thi Chung kết: “Cần bao nhiêu Mặt trời để cán cân thăng bằng?” với các dữ liệu dựa trên các hình vẽ là một câu hỏi chưa thật chặt chẽ.

4 thí sinh ở trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2012
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 

Với câu hỏi này, 2 thí sinh là Thái Hoàng và Lê Phương cùng có đáp án C (6), thí sinh Ngọc Tĩnh có đáp án là D và Ngọc Khánh có đáp án là A.
Gọi bài toán là bài toán IQ cũng khó chấp nhận bởi ở đây đo IQ là đo yếu tố nào? Giải hệ phương trình bậc nhất? Lần lượt thử nhanh các đáp án?

Có thể nói: Bài toán này nếu sửa cho đúng cũng không nên là một bài toán đo trí thông minh của vòng chung kết “Đường lên đỉnh Olypia” ! Không ai giải bài này trong mấy giây được! Không hiểu 2 bạn chọn đáp án C nghĩ thế nào để chọn đáp án này? Hay là các bạn cứ “gõ” cầu may mà thôi?

TS toán học Lê Thống Nhất


Ở câu hỏi này, khi MC hỏi bạn Thái Hoàng về đáp án, bạn Thái Hoàng có giải thích: “Sau một loạt quy đổi, nói chung là nhân chia phân số rất lằng nhằng thì ta thấy là nếu thêm 6 mặt trời vào đây sẽ tương đương với số lượng sao bằng với bên kia”.

Theo cố vấn của chương trình, đáp án C (6) là chấp nhận được với cách tư duy:

Từ cân thứ nhất suy ra 1 ngôi sao = 1,5 mặt trời

Thay vào cân thứ hai suy ra 1 mặt trăng = 7/6 mặt trời

Suy ra: ở cân thứ ba, đĩa trái 1 mặt trăng + 3 ngôi sao = 7/6 + 4,5 mặt trời = 5,6666 mặt trời, xấp xỉ bằng 6. Áp dụng luật làm tròn số, đáp án C chấp nhận được.

Bởi, một câu hỏi IQ có thể chấp nhận cách tư duy thực tế chứ không hoàn toàn lí thuyết như Toán học. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu đầy đủ là “Cần khoảng bao nhiêu mặt trời để cân cân bằng?”.
Câu hỏi thiếu chặt chẽ của chương trình Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" 2012
Ban tổ chức cho rằng đáp án C chấp nhận được

Ban tổ chức chương trình cũng nhận lỗi: “Đưa một câu hỏi thiếu chặt chẽ là một sơ suất đáng tiếc trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm để không lặp lại những sơ suất tương tự”.

Giữ nguyên kết quả


Qua đó, ban tổ chức vẫn quyết định với đáp án ở phần thi Tăng tốc chấp nhận được của em Hoàng, kết quả chung cuộc của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia được giữ nguyên.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cuộc thi không quên nhấn mạnh: “Tất cả các bạn học sinh yêu mến và đến với Đường lên đỉnh Olympia được Ban tổ chức coi trọng như nhau và được bảo vệ bằng luật chơi và quy định riêng của chương trình”.
Đặng Thái Hoàng vẫn được giữ nguyên kết quả là người chiến thắng của Đường lên đỉnh Olympia năm 2012 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Trên thực tế, cả 4 bạn có mặt trong trận chung kết đều là những học sinh rất xuất sắc và đã rất cố gắng chơi với tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau. Đó mới là điều quan trọng nhất làm nên ý nghĩa của một chương trình khuyến học như Đường lên đỉnh Olympia.

Cuối cùng, ban tổ chức chương trình cũng thừa nhận: “Với tất cả những sức ép mà ban cố vấn chương trình và các thí sinh phải chịu thời gian qua về sơ suất này và với khán giả yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc và gửi lời xin lỗi chân thành”.
Liên quan đến sự việc này, PV VTC News đã hỏi một lãnh đạo của LG, nhà tài trợ chính cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Vị lãnh đạo này cho biết, mặc dù là nhà tài trợ chính nhưng nội dung và việc ra đề nằm ở ban giám khảo, cố vấn của chương trình. LG Việt Nam không tham gia vào quá trình này.

Với 12 năm diễn ra Chương trình này, sai sót trong quá trình xảy ra là điều khó tránh khỏi và không ai mong muốn. Sau sự cố 2009, ban tổ chức và LG đã ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Nhưng đây là một chương trình trực tiếp, nên khi có sự cố xảy ra cũng khó có thể sửa chữa ngay được.
Bạn đọc nhận xét gì về lời giải thích của ban tổ chức chương trình nói về sự cố sai câu hỏi, nghi án "lộ đề" của Đường lên đỉnh Olympia 2012 xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Thầy của Đặng Thái Hoàng: Không ai may mắn tới 4 lần
 



Phạm Thịnh - Cường Cao





Bình luận
vtcnews.vn