• Zalo

Bản tin kêu gọi cả nước chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 của Đài Tiếng nói Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 13/02/2019 12:11:00 +07:00Google News

Sáng 5/3/1979, chương trình phát thanh 90 phút của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi toàn quân, toàn dân nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới.

Cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra giữa lúc các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Dọc tuyến biên giới của ta chỉ có lực lượng chủ lực của các quân khu, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chưa tới 60.000 quân. Trong khi Trung Quốc ước tính có 600.000 quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn.

Báo cáo của Hội đồng Chính phủ năm 1979 khẳng định cuộc chiến này được đối phương thực hiện theo một kế hoạch đã chuẩn bị từ lâu.

Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi:

"Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".

Ngay sau lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trường Chinh.

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước.

Quyết định nêu rõ: “Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước”.

qd

Nội dung Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng trên báo Nhân dân ngày 6/3/1979.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân.

Trong đó, yêu cầu nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ. Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

tdv

 Lệnh tổng động viên đăng trên báo Nhân dân ngày 6/3/1979.

Lệnh tổng động viên được ban bố, cũng trong ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học".

Ngày 7/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân.

Ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. 

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn