(VTC News) – Thông tin Kinh Đô gần như bán đứt mảng bánh kẹo khiến nhà đầu tư phiền lòng và kết quả là “vua bánh kẹo” bốc hơi ngàn tỷ.
Kinh Đô hoan hỉ
Thông tin Kinh Đô sẽ bán đứt bánh kẹo – mảng làm nên thương hiệu “Vua bánh kẹo” cho ông lớn ngành thực phẩm đã được nhắc tới từ giữa năm nay. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin chưa chính thức và chỉ có giá trị tham khảo.
Nhưng tới giữa tháng 11, thông tin này chính thức được xác nhận. Ngày 11/11, Tập đoàn Kinh Đô đã công bố khoản đầu tư của Mondelēz International - nhà sản xuất thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ vào mảng kinh doanh bánh kẹo của mình. Thỏa thuận đầu tư này còn tùy thuộc vào phê duyệt từ các cổ đông của Kinh Đô.
Tuy nhiên, cần lưu ý, ở các công ty Việt Nam, rất hiếm khi đề xuất của ban lãnh đạo công ty bị cổ đông bác bỏ. Vì vậy, thỏa thuận này gần như sẽ được đa số cổ đông đồng ý.
Kinh Đô bán tới 80% mảng bánh kẹo |
Kinh Đô rất hoan hỉ với thương vụ này. “Vua bánh kẹo” đánh giá việc đầu tư này kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội phát triển mới cho các nhãn hiệu hàng đầu cùng đội ngũ nhân sự của Kinh Đô, cũng như sẽ giới thiệu những lựa chọn mới, hương vị mới đến người tiêu dùng Việt.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kinh Đô cho biết: “Sự kiện ngày hôm nay sẽ tiếp thêm sức mạnh để Kinh Đô mãi là biểu tượng gần gũi, tin yêu của người tiêu dùng. Đồng thời giúp chúng tôi thực hiện thành công chiến lược mới của mình”.
Ông Tim Cofer, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi của Mondelēz International cũng đặt niềm tin vào sự hợp tác này khi phát biểu: “Khoản đầu tư quan trọng của chúng tôi vào Kinh Đô và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại Châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi của chúng tôi tại thị trường đang phát triển năng động này”.
Trước đây, KDC từng chia sẻ tham vọng mở rộng sang lĩnh vực mỳ ăn liền, cà phê và dầu ăn. Mặc dù có nhiều thông tin được đưa ra nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn chưa thấy các sản phẩm này mang nhãn hiệu Kinh Đô được bán trên thị trường.
KDC hợp tác với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong về mỳ ăn liền, với PhinDeli về cà phê. Trong lĩnh vực dầu ăn, KDC tham gia mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Nhà đầu tư phiền lòng
Lãnh đạo Kinh Đô khá hài lòng với thương vụ này nhưng cổ đông lại không có quan điểm như vậy. Khi thông tin Kinh Đô bán mảng bánh kẹo một lần nữa rộ lên, cổ đông đẩy mạnh bán ra cổ phiếu KDC. Kết quả là KDC có chuỗi ngày dài giảm điểm.
Tính từ đầu tháng 11 tới ngày 18/11, KDC đã trải qua 12 phiên giao dịch. Trong đó, KDC chỉ tăng 4 phiên và giảm tới 8 phiên. Khối lượng giao dịch đứng ở mức thấp vì lực cầu, đặc biệt cầu giá cao của cổ phiếu này khá khiêm tốn.
Như vậy, sau 12 phiên, KDC đã giảm 5.500 đồng/CP xuống 54.500 đồng/CP. Sự đi xuống này của KDC đã “thổi bay” 1.403,39 tỷ đồng khỏi tài khoản công ty. Giá trị vốn hóa thị trường của “vua bánh kẹo” giảm xuống 13.906,28 tỷ đồng.
Anh em doanh nhân họ Trần là những người gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi KDC đi xuống. Cụ thể, ông Trần Kim Thành “đánh rơi” 96,46 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu KDC mà ông nắm giữ chỉ còn 955,86 tỷ đồng. Ông Thành đứng ở vị trí 15 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc CTCP Kinh Đô (em trai ông Thành) 76,94 tỷ đồng. Ông Nguyên đứng sau anh trai mình 2 bậc trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ cổ đông thiếu mặn mà với KDC, nhiều “người trong nhà” cũng “chốt lời” cổ phiếu này. Từ đầu tháng 11, Kinh Đô liên tục công bố nhiều sếp lớn KDC đua nhau bán cổ phiếu. Đã có tới 5 phó tổng giám đốc bán ra 188.000 cổ phiếu KDC.
Bảo Linh
Bình luận