• Zalo

Bản thảo gốc bài thơ 'Tiếng Việt' của Lưu Quang Vũ: Chính xác là 'Ôi tiếng việt như bùn và như lụa'

Giáo dụcChủ Nhật, 03/07/2016 09:21:00 +07:00Google News

Ban đầu, Lưu Quang Vũ không đồng ý có bất cứ sự thay đổi nào, thế nhưng khi được vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh thuyết phục, Lưu Quang Vũ đã chấp nhận sửa tạm "như bùn" thành "như đất cày”...

Sau khi buổi thi môn Ngữ văn - kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 kết thúc sáng 2/7, một loạt tranh cãi đã diễn ra liên quan đến câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong bài thơ “Tiếng Việt” của tác giả Lưu Quang Vũ có trong đề thi bị cho là trích dẫn sai.

Rất nhiều giáo viên, những bạn đọc yêu văn học, thậm chí có cả các nhà văn nhà thơ cho rằng Bộ Giáo dục đã nhầm lẫn trong đề thi năm nay bởi họ cho rằng câu thơ chính xác phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

146749366783006-de-thi-lq

Bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhận được 10.000 lượt thích và hơn 3600 lượt chia sẻ trên mạng xã hội chỉ sau vài tiếng đăng tải

Trước nhiều ý kiến về vấn đề này, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) – em gái tác giả Lưu Quang Vũ, người đã biên soạn nhiều tuyển tập thơ, kịch Lưu Quang Vũ và cũng chính là người lưu giữ những bản thảo viết tay của ông đã khẳng định: Đề thi Văn không hề sai.

Thông tin riêng với Dân Việt, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cũng tiết lộ ngọn ngành câu chuyện vì sao hiện vẫn tồn tại những bản thảo thơ có một số chỗ dùng từ khác nhau:

 “Sau một thời gian dài Lưu Quang Vũ không in thơ ở trên báo mặc dù anh vẫn sáng tác rất nhiều, nhà thơ Xuân Quỳnh – khi đó đang làm việc ở báo Văn nghệ nói với chồng gửi một số bài thơ để tòa soạn chọn in. Lúc đó nhà thơ Phạm Tiến Duật ở tổ thơ đã ngay lập tức chọn bài “Tiếng Việt” để in trong số ba bài Lưu Quang Vũ gửi, nhưng với điều kiện là phải đổi một số câu thơ.

Ban đầu, Lưu Quang Vũ không đồng ý có bất cứ sự thay đổi nào. Thế nhưng khi được nhà thơ Xuân Quỳnh thuyết phục rằng cứ in đi rồi khi nào có điều kiện mình sẽ khôi phục lại bản gốc sau, Lưu Quang Vũ đã chấp nhận. Nhưng anh chỉ đồng ý sau khi đã trao đổi với biên tập lúc đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và câu thơ trong bản gốc “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” đã được anh sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa.”

14674942818661-ban-thao-t

Câu thơ trong bảo thảo gốc chép tay được nhà thơ Lưu Quang Vũ sáng tác ban đầu vốn là "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa". (Tư liệu gia đình cung cấp)

Khi bài thơ được in lần đầu trên báo Văn nghệ và nhận được lời khen của rất nhiều độc giả cũng như giới phê bình văn học, Lưu Quang Vũ vẫn nói với những người thân trong gia đình rằng anh không muốn ý thơ bị khác đi và vì thế nếu sau này có điều kiện anh muốn bài thơ được khôi phục lại như nguyên tác của mình.

Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm, bầm dập để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ. Như câu thơ “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ” cũng là một sự tôn vinh Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ”.

Rất may mắn, gia đình hiện vẫn lưu giữ bản thảo chép tay của tác giả Lưu Quang Vũ. Mặc dù bản thảo mà PGS.TS Lưu Khánh Thơ cung cấp cho Dân Việt đã bị ố vàng và nhòe mờ theo thời gian nhưng bút tích của nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn rất rõ nét. Theo đó, câu thơ đang gây tranh cãi hiện nay trong bản thảo gốc chép tay ban đầu của nhà thơ vốn được viết là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

“Từ đó có thể thấy đề thi Ngữ văn năm nay không sai khi sử dụng bản gốc của nhà thơ. Còn bản in lần đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ có câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” cũng là một bản chính thống, rất nhiều tuyển thơ ở Việt Nam in bài “Tiếng Việt” theo bản này và bạn đọc nhớ đến bản ấy nhiều hơn” – PGS.TS. Lưu Khánh Thơ khẳng định.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ còn tiết lộ thêm, ngoài chỗ “như bùn” phải đổi thành “như đất cày” thì nhà thơ Lưu Quang Vũ còn phải đổi 2 câu thơ nữa, đó là “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận” thành “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng” để tránh yếu tố nhạy cảm. Còn câu kết “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” phải sửa thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.

Chúng tôi trân trọng gửi tới bạn đọc bản thảo gốc chép tay bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ do PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cung cấp cho Báo điện tử Dân Việt:

146749366724353-ban-thao-

 

146749366741166-ban-thao-

 

146749366759749-ban-thao-

 

Nguồn: Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn