Bên cạnh lĩnh vực vận tải hàng không ngày càng mở rộng và phát triển giúp các hãng bay thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, các mảng kinh doanh phụ trợ hoạt động vận tải này cũng được hưởng lợi rất nhiều thời gian vừa qua.
Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài - Noibai Catering (mã chứng khoán NCS) là doanh nghiệp độc quyền cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế tại sân bay Nội Bài.
Là đối tác của nhiều hãng hàng không lớn cả trong và ngoài nước chỉ với hoạt động cung cấp suất ăn trên máy bay cũng giúp công ty này thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Cụ thể, trong năm 2017, Suất ăn Nội Bài ghi nhận 630 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2016. Trong đó, riêng hoạt động cung cấp suất ăn trên máy bay đã mang về gần 78% số đó (khoảng 489 tỷ đồng). Số còn lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ và một số mảng kinh doanh phụ trợ khác như cho thuê kho, vệ sinh dụng cụ, giặt là và bán phế liệu...
Thậm chí, 3 tháng đầu năm 2018, công ty này cũng đã thu về tới 166 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% và báo lãi ròng sau thuế 16 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày Suất ăn Nội Bài thu về tới hơn 1,8 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của mình.
Theo báo cáo thống kê, năm 2017, công ty này cũng cấp tới 7,84 triệu suất ăn hàng không, thu về số tiền 489 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ so với năm 2016.
Tính theo số lượng tiêu thụ năm vừa qua, giá bình quân mỗi suất ăn trên máy bay được doanh nghiệp này bán ra cho các hãng hàng không là 62.350 đồng/suất, tăng gần 3% so với trước đó. Trong khi giá vốn công ty phải bỏ ra cho mỗi suất ăn vào khoảng 50.200 đồng. Như vậy, biên lãi gộp trong mảng kinh doanh suất ăn trên máy bay của công ty năm vừa qua lên tới 19%.
Trong quý đầu tiên của năm nay, biên lãi gộp mảng này cũng đạt tới 23%, tăng mạnh so với mức chỉ 13% vào năm 2016 trước đó.
Kết quả, năm 2017 doanh nghiệp này thu về khoản lợi nhuận ròng đạt 83 tỷ đồng, tăng mạnh 22%, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất công ty thu về trong nhiều năm trở lại đây. Những năm trước đó, lợi nhuận ròng Suất ăn Nội Bài thu về dao động trong khoảng 30-50 tỷ đồng/năm.
Do kinh doanh trong loại hình đặc thù nên tình hình tài chính của doanh nghiệp tương đối khả quan, nợ phải trả của công ty cuối tháng 3/2018 là 245 tỷ đồng, xấp xỉ vốn chủ sở hữu 239 tỷ.
Riêng khoản vay dài hạn tại Vietinbank Chi nhánh Đông Anh đã chiếm 171 tỷ đồng trong số nợ phải trả này. Ngoài ra, nợ ngắn hạn của công ty tập trung chủ yếu ở các mục phải trả người bán ngắn hạn và phải trả người lao động.
Trong danh mục khách hàng nhận các suất ăn do NCS cung cấp, hầu hết là những hãng hàng không ngoại, chỉ có Vietnam Airlines là hãng hàng không trong nước. Điều này dễ hiểu khi 2 hãng hàng không còn lại là Vietjet Air và Jetstar Pacific không cung cấp suất ăn đi kèm cho khách hàng trên máy bay.
Một số hãng hàng không khác đang được NCS cung cấp suất ăn phải kể tới Qatar Airways, Asiana Airlines, All Nipon Airlines…
Trong khi đó, với việc nắm giữ hơn 60% vốn tại đây, Vietnam Airlines cũng chính là khách hàng chủ đạo của công ty, khi đóng góp 60% doanh thu hàng năm. Ngoài Vietnam Airlines, hiện Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (mã chứng khoán SAS) – doanh nghiệp của đại gia hàng hiệu Jonnathan Hạnh Nguyễn cũng đang nắm giữ hơn 10% vốn tại NCS.
Bình luận