(VTC News) - Sáng 15/3, hơn 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trên cả nước trong các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, xã hội đã tham dự, thảo luận về định hướng phát triển kinh tế đô thị huyện Điện Bàn (phía Bắc Quảng Nam).
Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong cả nước với sự chủ trì của T.S Trần Du Lịch
Theo đó, trong khuôn khổ Hội thảo Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An do UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam) phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trung tâm nghiên cứu phát triển Miền Trung tổ chức, UBND huyện Điện Bàn đã công bố quyết định công nhận đô thị loại 4 của Bộ Xây dựng đối với địa phương này. Đồng thời lấy ý kiến tham luận về định hướng phát triển đối với Điện Bàn trong tương lai.
Việc trở thành đô thị loại 4 đã đặt Điện Bàn trong bối cảnh nhiều thách thức trước sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng và Hội An. Ý kiến tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Điện Bàn là đô thị rất đặc biệt và có vị thế cực kỳ quan trọng trong chuỗi phát triển kinh tế vùng Đà Nẵng-Hội An-Tam Kỳ. Có thể nói Điện Bàn như một mỏ vàng với đầy đủ tiềm năng sông, biển và cơ hội phát triển kinh tế trong chuỗi này với vai trò là đô thị kết nối Đà Nẵng và Hội An”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Điện Bàn cần cân nhắc kỹ trong định hướng phát triển sao vừa giữ được bản sắc, vừa kết hợp, khai thác lợi thế phát triển của 2 đô thị lân cận
Đứng trước sự phát triển “bùng nổ” của đô thị Đà Nẵng và Hội An thì Điện Bàn cần cân nhắc kỹ trong định hướng phát triển sao vừa giữ được bản sắc, vừa kết hợp, khai thác lợi thế phát triển của 2 đô thị Đà Nẵng và Hội An thì mới phát triển bền vững. Phát triển đô thị gắn liền với phát triển làng nghề, kiến trúc mang đậm văn hóa thôn quê tạo nét riêng cho Điện Bàn là một ví dụ.
Hiện nay, Điện Bàn đang phát triển nhưng chưa rõ ràng, chưa có nét riêng nên trong tương lai cần khẳng định đẳng cấp, cái riêng của Điện Bàn là cái gì và định hướng đó phải tính đến cho 20-30 năm sau. Và định hướng đó phải nương theo sự phát triển của Đà Nẵng, theo chức năng riêng của mình thì mới khai thác được lợi thế hiện có của 2 đô thị Đà Nẵng và Hội An”.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch, kinh tế hàng đầu Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính định hướng có khoa học cho lộ trình xây dựng và phát triển toàn diện đô thị Điện Bàn trong hiện tại và tương lai, đưa Điện Bàn trở thành một đô thị lớn, có bản sắc riêng của khu vực Bắc Quảng Nam.
Một loạt các vấn đề xoay quanh việc nhận diện đô thị Điện Bàn để định hướng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật- xã hội và không gian kiến trúc, kết nối hài hòa với 2 đô thị Đà Nẵng và Hội An; Điều chỉnh phát triển các khu – cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp sinh thái, giảm thiểu tác động môi trường; khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của Điện Bàn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn cao; phát triển nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu của đô thị, công nghiệp và du lịch… được các chuyên gia đưa ra.
Việc Điện Bàn trở thành đô thị loại 4 không chỉ là cơ hội mà còn là thử thách khi nằm giữa 2 đô thị phát triển là Đà Nẵng và Hội An
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn quan ngại trước tốc độ phát triển nóng của đô thị cũng như chính sách dẫn đến không nhận được sự đồng thuận của người dân. “Một cảnh báo đối với Điện Bàn là chúng ta không làm trên đất trống nên phải tính toán và cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan cấp trên nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân chứ không phải băm chặt, đào sâu,… làm nát và mất đi bản sắc đô thị”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam cảnh báo.
Được biết, trong năm 2013, huyện Điện Bàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển KT-XH. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 9.216 tỷ đồng; trong đó nhóm ngành CN-XH tăng 12,91%; TM-DV tăng 19,44%; nông- lâm thủy sản tăng 2,8%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo còn 4,88%... Đây chính là tiền đề quan trọng để đưa Điện Bàn đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4.
Bửu Lân
Bình luận