Rình rập tung tỷ USD
Chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) “gà đẻ trứng vàng” như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPT Telecom, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… của Việt Nam thực sự là một thông tin nóng trên thị trường mua bán sáp nhập khu vực.
Với sự hội nhập sâu rộng, nhu cầu tiền đầu tư phát triển lớn và nỗ lực giảm vai trò của kinh tế nhà nước, nâng vai trò kinh tế tư nhân, đây được xem là một cơ hội rất lớn để các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào các DN lớn, sở hữu các thương hiệu hàng đầu.
Tuy nhiên, trên sân chơi quốc tế, lợi thế đang nghiêng về phía các DN ngoại, các đại gia nước ngoài. Trong khi đó, nguy cơ và rủi ro đang trở nên vô cùng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN nội nhỏ lẻ và các start-up tìm cách thâm nhập thị trường.
Tờ South China Morning Post, hôm 1/9 đưa ra nhận định cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang có một bước đi không có tiền lệ trong việc thoái toàn bộ vốn tại 2 DN bia lớn nhất như là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh giảm sở hữu nhà nước.
Tờ báo này cũng ngay lập tức lượng hóa giá trị của gần 90% cổ phần Sabeco và 82% Habeco sẽ bán ra ở mức tương ứng 1,8 tỷ USD và 404 triệu USD dựa trên các thông tin thống kê của thị trường.
Tờ Bangkokpost trong khi đó cho biết, các NĐT nước ngoài đang “chạy đua ” để thâu tóm DN bia tại Việt Nam bởi thị trường bia Việt Nam tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và các DN bia ngoại vẫn đang có cửa phát triển mạnh tại thị trường này. Theo đó, Carlsberg đang chờ đợi được chấp thuận nâng tỷ lệ từ 17% lên 30%, còn một số DN khác đang tìm cách thâu tóm cả 2 “ông lớn này”.
Từ cách đây 2 năm, DN đồ uống lớn của Thái Lan là ThaiBev cũng đã chào mua Sabeco với mức giá 2 tỉ USD nhưng không thành công. Năm ngoái, hãng bia này nâng mức giá lên 1 tỷ USD cho 40% cổ phần (tương đương 2,5 tỷ USD cho Sabeco).
Trước đó, giới đầu tư đã nhiều lần giật mình bởi những khoản tiền khổng lồ mà các NĐT nước ngoài bỏ ra để thâu tóm các thương hiệu Việt tầm vóc quốc gia.
Hồi cuối 2012, Tập đoàn Xi măng Siam (SCG - Thái Lan) đã bỏ ra 7,2 tỷ baht, tương đương khoảng 5 ngàn tỷ đồng để có được 85% quyền sở hữu tại thương hiệu gạch hàng đầu của Việt Nam: Prime Group.
Giới đầu tư giật mình vì số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, giờ đây, cũng đã khá dễ hiểu tại sao SCG lại bỏ ra số tiền khủng, mua cổ phần chi phối bằng mọi giá như vậy. Ngay sau thương vụ, SCG đã trở thành công ty gạch lớn nhất thế giới và thống trị luôn thị trường gạch ốp lát ở trong nước.
Cuối 2014, vụ Mondelēz International của Mỹ bỏ 8 ngàn USD mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô cũng đã rúng động TTCK.
Giới đầu tư giật mình vì số tiền khổng lồ mà cổ đông KDC thu về nhưng sau đó đọng lại là nuối tiếc một thương hiệu bánh kẹo Việt truyền thống hàng đầu Việt Nam đã rơi vào tay nước ngoài.
Mua bằng mọi giá: Cuộc xâm chiếm thị trường
Ông Huỳnh Minh Tuấn, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng, thoái vốn nhà nước là tất yếu vì nhiều lý do trong đó có vấn đề quản trị kém và hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả tại các DNNN. Tuy nhiên, việc thoái vốn cần có lộ trình, không gấp gáp để tránh nguy cơ bị trục lợi và khả năng mất thị trường ở nhiều lĩnh vực.
Theo ông Tuấn, DN nước ngoài đã chiếm thị trường Việt ở một số lĩnh vực. Sau vụ Prime, người Thái đã nắm thị phần chi phối gạch ốp lát tại Việt Nam. Prime có công suất khủng, gấp nhiều lần các DN nội khác.
Trên tờ Bangkokpost, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital cho rằng, thị trường bia của Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với nhiều “tay chơi” trên trường quốc tế, nhất là từ Nhật và Thái Lan. Theo chuyên gia này, hiện tượng này phần nào phản ánh sự quan tâm của các NĐT thế giới tới rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam.
Cú thâu tóm 49% điện máy Nguyễn Kim của đại gia Thái Central Group hồi đầu 2015 hay Tập đoàn
bán lẻ Thái Lan BJC đã thâu tóm Phú Thái Group từ vài năm trước rồi vụ Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon mua lại Fivimart và Citimart… cũng phần nào cho thấy nỗ lực thâu tóm lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam của các tỷ phú nước ngoài.
Hai vụ chuyển chủ sang cho các tỷ phú nước ngoài của 2 thương hiệu Metro và Big C một lần nữa cho thấy sự yếu thế và mất vị thế của các DN nội trong lĩnh vực bán lẻ.
Gần đây, thông tin Xúc xích Đức Việt được bán lại cho Tập đoàn Daesang (Hàn Quốc) với giá 700 tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối một thương hiệu thực phẩm Việt hiếm hoi có chỗ đứng trên thị trường. Hay vụ Trình duyệt Cốc Cốc đã âm thầm bán 99,8% cổ phần cho nước ngoài cũng khiến nhiều người xót xa.
Nhìn lại phần lớn các thương vụ ngoại thâu tóm nội trong vài năm qua, có thể thấy, các ông lớn nước ngoài đã rất mạnh tay chi tiền để thâu tóm các DN Việt.
Mua bán sáp nhập, chuyển đổi chủ là rất bình thường. Tuy nhiên, điều mà không ít chuyên gia đề cập đến là một vấn đề báo động: Các tỷ phú nước ngoài không chỉ thuần túy thâu tóm 1 DN, một vài DN đầu ngành mà là thâu tóm 1 thị trường, khống chế một thị trường, chi phối các hệ thống phân phối như trong lĩnh vực bán lẻ, bánh kẹo... và sắp tới có thể là bia, sữa, nhựa gia dụng…
Hầu hết các thương hiệu lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Masan… đều đang giữ vai trò đầu tàu trên các lĩnh vực hoạt động của mình. Sự áp đảo của thương hiệu này có thể còn trở nên chênh lệch hơn bao giờ hết nếu rơi vào tay các NĐT nước ngoài. Đây thực sự là một sự bất lợi lớn cho các DN nhỏ trong nước. Nó có thể khiến các DN nội không thể chen chân sau khi DN nội bán lúa non trong quá khứ như trường hợp: Kem đánh răng Dạ Lan, CocaCola, Tribeco.
Bình luận