Một tài năng violin trẻ, một họa sỹ trẻ người Giáy, trong một sự tình cờ, họ đã có chuyến du hành từ miền núi Tây Bắc hùng vĩ tới Tây Nguyên đại ngàn. Chàng họa sỹ trẻ múa cùng cây cọ trên nền nhạc du dương mà da diết của cây vĩ cầm…
Những bức tranh đầy âm sắc và bản nhạc ngập tràn sắc xuân đã được hai chàng trai trẻ, Vàng Hải Hưng - họa sỹ người Giáy và tài năng violin Nguyễn Văn Trọng hòa trộn một cách hài hòa trong một chương trình truyền hình đặc biệt "Đêm giao thừa 2023".
“Tôi sinh ra tại vùng Ý Tý. Mùa xuân nơi tôi sinh là những sắc màu huyền ảo trong mù sương giăng ngập lối, màu hòa tan trong màu của cánh đào phai, đó là vẻ đẹp thuần khiết và không pha tạp.
Khi những cánh đào thắm dần trong sương gió, cũng là lúc tôi tìm về với mảnh đất quê hương, nơi có thể chìm vào với những sáng tác. Ai đó đã từng nói mùa xuân đã về. Đất như đứa trẻ biết làm thơ…”. Đó là những chia sẻ của chàng trai Vàng Hải Hưng.
Vàng Hải Hưng là một hoạ sỹ đặc biệt, người dân tộc Giáy, quê Ý Tý Lào Cai, nơi mỗi nếp nhà trình tường, mỗi thửa ruộng bậc thang đều đẹp như một bức tranh.
Xã nghèo vùng cao biên giới quê Hưng - nơi không có màu vẽ, bút vẽ, giấy vẽ, cậu dùng than củi, gạch son vẽ nên giấc mơ đời mình lên sân nhà, cánh cửa… Tuy nhiên, mỹ thuật vẫn là khái niệm hết sức xa lạ với người vùng cao miền biên viễn. Học xong trung học phổ thông, theo định hướng của gia đình, Vàng Hải Hưng thi vào Đại học Lâm nghiệp với mong muốn ra trường Hưng sẽ trở lại những cánh rừng quê hương.
Nhưng rồi, tình yêu với giá gỗ và cây cọ không thể rời xa. Sau gần hai năm học lâm nghiệp, Hưng trở lại với hội họa khi quyết định thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Vàng Hải Hưng đã gặt hái được nhiều thành công ngay từ trong trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, Vàng Hải Hưng tiếp tục tham gia nhiều triển lãm lớn như triển lãm “Mời bạn vào” 2020; Festival mỹ thuật trẻ 2020; triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020".
Vàng Hải Hưng đã đạt được giải Nhất cuộc thi triển lãm mỹ thuật sinh viên 2020 với bức “Chi chi chành chành”. Bức tranh vẽ những học sinh vùng cao mặc đồng phục đang đứng trước vách tường đá cao như truyền đi thông điệp về sự khác biệt giữa hoàn cảnh của những trẻ em ở miền núi và thành phố.
Cũng là một chàng trai tỉnh lẻ, Nguyễn Văn Trọng gắn bó với cây đàn violin từ khi mới chỉ cao hơn cây đàn vài tấc. Sinh năm 2003, Trọng là sinh viên xuất sắc chuyên ngành Violin, Nguyễn Văn Trọng từng đoạt giải Vàng Festival Rising stars internatinonal arts festival vs competion 2022.
Những tác phẩm cổ điển luôn là sự lựa chọn trong con đường âm nhạc của Nguyễn Văn Trọng, trong đó có "Tổ khúc Bốn mùa - The Four Seasons".
Bốn mùa (Le quattro stagioni) là một tổ khúc gồm bốn bản concerto dành cho violin do nhà soạn nhạc người Ý Antonio Vivaldi sáng tác, mỗi khúc nhạc đại diện cho một mùa trong năm. Bộ tác phẩm này được sáng tác vào khoảng năm 1721. Tác phẩm như một tuyên bố nghệ thuật, đó là sự cân bằng giữa logic sáng tạo âm nhạc và năng lực sáng tạo phát minh.
Còn một yếu tố khác giúp bản concerto "Bốn mùa" thống trị thế giới âm nhạc, đó là tác phẩm được cho là lấy cảm hứng từ những bức tranh phong cảnh của họa sỹ người Ý Marco Ricci. Trong 4 concerto này, có 3 bản là tác phẩm nguyên gốc còn bản concerto đầu tiên “mùa xuân” mang âm hưởng từ overture trong vở opera Giustino của Vivaldi.
Concerto số 1 "mùa xuân" - là bản nhạc mở đầu của tổ khúc, mở đầu một vòng luân hoàn của đất trời.
"Này đây mùa xuân, lũ chim vui tươi mời gọi
Những dòng suối, quyện vào hơi thở nhẹ tênh của làn gió mát
Chảy trong tiếng thì thầm dịu dàng"
Ý thơ rạo rực, quyện hòa vào nhịp điệu tràn trề sức sống khi mùa xuân về. Âm sắc violin chính là tông màu chủ đạo trong bức họa mang tên mùa xuân. Mùa xuân đã đến với chúng ta. Đó là khi đàn chim vui tươi chào đón xuân sang bằng một bài ca mời gọi với muôn vàn sắc thái.
Và với hơi thở của những cơn gió nhẹ, mùa xuân tan ra với một tiếng thì thầm. Tiếng con suối chảy ngày xuân cũng trở nên dịu dàng hơn. Đó là tiếng réo rắt của côn trùng đang bừng tỉnh trong nắng xuân, vạn vật như đua nhau trỗi dậy cùng lộc biếc trong sương mai.
Trong quá trình tìm kiếm ý tưởng cho chương trình Tết 2023, nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thu Trang muốn ngợi ca cảnh đẹp đất nước nên thơ nhất nhưng phải chân thực nhất, gần gũi nhất.
Tình cờ, trong chuyến khảo sát vương quốc nhà trình tường Ý Tý vào một ngày nắng đầu đông, chị đã gặp chàng họa sỹ người Giáy đang họa phong cảnh quê hương. Ý tưởng hòa quyện giữa âm nhạc và hội họa đã lóe lên cùng tổ khúc "Bốn mùa" của thiên tài Vivaldi.
Hai tài năng trẻ hội họa và âm nhạc đã gặp nhau. Trong gần hai tháng mùa đông, họ đã có chuyến trải nghiệm dọc đất nước, điểm khởi đầu từ Ý Tý quê Vàng Hải Hưng, điểm kết thúc là đêm lửa bập bùng trong nhà rông Tây Nguyên. Hưng đã vẽ như lên đồng trong tiếng violin quyến rũ của Trọng. Để có chuyến đi đáng nhớ ấy, Trọng đã phải từ chối không ít show diễn danh giá, thậm chí vật nài, dỗi dằn như trẻ con với thày mình, nhạc sỹ biểu diễn tài danh Bùi Công Duy…
Họ đã có chuyến lãng du xuyên Việt để ngợi ca mùa xuân đất Việt. Dưới ống kính của ekip làm phim, khán giả sẽ có cùng đắm mình vào một hành trình trải nghiệm, khám phá lại đất quê hương một cách mới mẻ, hào hứng nhất.
Chương trình sẽ lên sóng VTC trong một khung giờ đặc biệt, 20h30 đêm Giao thừa Quý Mão.
Nhà báo - đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thu Trang- Phó phòng Thời sự, VTC 16
- Đạo diễn phim tài liệu “Bí thư Tỉnh ủy”, Giải Búa liềm vàng 2021, Giải báo chí Đại đoàn kết dân tộc.
- Tổng đạo diễn “Bản giao hưởng đồng quê”, chương trình Tết VTC 2020.
- Đồng đạo diễn tác phẩm “Nông dân điêu đứng vì nhà tạm”, Giải Tiếng nói Việt Nam.
- Đồng đạo diễn tác phẩm “Đình làng xứ Đoài những điều còn - mất”, Giải Báo chí Quốc gia.
Bình luận