Chiều tối 15/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.
Tạo thuận lợi nhất cho du khách
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh thế giới đã bước sang một giai đoạn mới sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ, triển khai từ ngày 15/3/2022 rất quan trọng, đúng thời điểm, trên cơ sở những nền tảng vững chắc và kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua. Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực để thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, trong giai đoạn mới cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, bao gồm về thị thực, kết nối hàng không, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng yêu cầu điều kiện bình thường mới.
Liên quan đến chính sách nhập cảnh của Việt Nam đối với du khách quốc tế, theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Lương Thanh Quảng, thời gian qua, Việt Nam đã từng bước điều chỉnh nới lỏng chính sách xuất-nhập cảnh. Ngay trong ngày 15/3, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước nhập cảnh với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Đây là những nước đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ cuối năm 2019.
Chờ thông điệp thống nhất
Cũng tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, đại diện doanh nghiệp, lữ hành, du lịch, khách sạn và hàng không…đã chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn khi mở cửa lại hoạt động du lịch.
Hội nghị cũng đề xuất về các biện pháp phối hợp bộ, ngành với địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhằm cùng nhau chung tay đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, các địa phương nhất trí cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, phát triển các ấn phẩm quảng bá bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, xây dựng thông điệp thống nhất, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Nằm trong mối liên kết chặt chẽ với ngành du lịch, đại diện các hãng hàng không cũng đưa nhiều ý kiến đóng góp để lộ trình mở cửa hoạt động hàng không, du lịch diễn ra an toàn, hiệu quả, thúc đẩy khách bay quốc tế đến Việt Nam.
Trong đó, Phó Tổng giám đốc Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho hay việc đưa ra một thông điệp nhất quán của Chính phủ về hoạt động mở cửa một cách toàn diện, bao gồm các vấn đề: mở cửa như thế nào, quy định về visa và cách ly y tế ra sao sẽ mang lại hiệu ứng tích cực.
“Cho dù cách ly y tế với điều kiện nào cũng cần phải đưa ra rõ ràng với thông điệp nhất quán “một Việt Nam”, không phân biệt địa phương nào. Vì chúng ta cạnh tranh điểm đến chứ chưa hẳn là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Việt Nam đang đi trước, đón đầu xu thế và bây giờ thông điệp từ Chính phủ sẽ khẳng định chúng ta đang trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Mạnh Quân nói.
Ông cũng đưa ra kiến nghị nên thống nhất thông điệp, tập trung nhấn mạnh về sản phẩm khi mở cửa du lịch trở lại.
“Trước hết, cần quảng bá sản phẩm nhấn mạnh vào điểm đến an toàn. Tiếp đó là chất lượng vượt trội và giá cả cạnh tranh. Tôi nghĩ chúng ta nên truyền thông với bạn bè quốc tế thông điệp thống nhất là “Điểm đến cạnh tranh”.
Ông cũng chia sẻ, trong suốt 2 năm vừa qua, mặc dù khó khăn nhưng tất cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, du lịch đều tăng cường áp dụng các giải pháp trong việc chuyển đổi số, đáp ứng xu hướng trải nghiệm mới của khách hàng trong tình hình mới.
Hiện tại, các doanh nghiệp đã sẵn sàng và đang cần hơn bao giờ hết sự thống nhất, chỉ huy của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp nhịp nhàng. Giai đoạn đầu mở cửa, chưa có doanh nghiệp nào đặt mục tiêu là lợi nhuận mà mục tiêu tính là phục hồi sản xuất, để sản xuất và dịch vụ quay trở lại. Nếu làm tốt các nhiệm vụ này, lợi nhuận sẽ đến.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, cần phải có thời gian, thị trường du lịch mới có thể phục hồi trở lại. Trong tình hình này các đại biểu mong muốn Chính phủ sẽ sớm ban hành hướng dẫn đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, về phòng, chống dịch bệnh khi đón du khách quốc tế để tạo sự thuận tiện cho hành khách, kích cầu du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài.
Bình luận