Bệnh nhân tên P.A.T., 17 tuổi, trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vào viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc trừ sâu ở giờ thứ 10; tình trạng bệnh nhân tỉnh, khó tiếp xúc.
Theo người nhà, T. yêu bạn gái nhưng không được đáp lại tình cảm nên đã tìm tới cái chết. Khi người nhà phát hiện, T. nồng nặc mùi rượu và thuốc trừ sâu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được các y bác sĩ rửa dạ dày theo quy trình. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn để lại di chứng như co giật, rối loạn nhịp tim, tổn thương gan, thận, niêm mạc đường tiêu hóa, rối loạn điện giải.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã chuyển biến tích cực, dự kiến sẽ ra viện trong ngày 3/4.
Theo bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, ngoài trường hợp của T., thời gian qua, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu. Nhiều trường hợp là uống nhầm, còn lại là người bệnh tự tử.
Thuốc trừ sâu thường được người nông dân ở Sơn La sử dụng bởi tính tiện dụng, nhất là tiết kiệm sức lao động. Tuy nhiên, đây là loại hóa chất cực độc, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.
Do thành phần trong thuốc trừ sâu khác nhau, nên tác động ngộ độc, triệu chứng cũng khác nhau. Biểu hiện thông thường là buồn nôn và nôn, hô hấp khó khăn, kích động, buồn bực không yên, đau đầu, tim mạch dừng đột ngột, sốc, hôn mê…
Người bị ngộ độc thuốc trừ sâu nếu được cấp cứu kịp thời sẽ tăng tỷ lệ sống và phục hồi; vì vậy, nếu bị ngộ độc loại thuốc này, người bệnh cần được đưa đến cở sở y tế sớm nhất để được cấp cứu kịp thời.
Mới đây, các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu cũng đã cấp cứu thành công một bệnh nhân nữ 70 tuổi, phản vệ nặng sau khi uống thuốc chống say xe dạng nước.
Bình luận