• Zalo

Bamboo Airways còn thiếu điều kiện gì để có thể cất cánh?

Kinh tếThứ Hai, 06/08/2018 16:00:00 +07:00Google News

Cục Hàng không Việt Nam vừa thông báo về kết quả thẩm định Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản số 3116/CHK-VTHK gửi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc thẩm định kết quả hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách (VCHK) của Công ty TNHH Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định đánh giá hồ sơ của công ty đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và có tính khả thi.

Cụ thể gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép ngày 12/6/2018; bản chính giấy xác nhận phong tỏa tải khoản thanh toán (văn bản nhận vốn) ngày 29/5/2018 của Ngân hàng TMCP Quốc dân; Đề án thành lập và khai thác hãng hàng không, bao gồm cả sơ đồ, tổ chức bộ máy. Tiếp đến là các bản sao quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người trách theo quy định của Điều 7, Nghị định 92; Hợp đồng nguyên tắc về việc thuê tàu bay và các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Co hoi nao cho nhung hang bay moi nhu Bamboo Airways? hinh anh

Hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh minh họa)

Hãng hàng không Tre Việt cũng đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm có tàu bay khai thác. Cụ thể, tàu bay dự kiến đưa vào khai thác là A330/A321 với số lượng khai thác ban đầu là 3 chiếc (từ năm 2019) với hình thức thuê khô (chỉ thuê máy bay, tự tổ chức đội bay, tiếp viên). Số lượng tàu bay sẽ tăng lên 10 chiếc trong giai đoạn 2019-2023, tương thích với quy mô vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà Bamboo Airways đăng ký với cơ quan quản lý.

Điều đáng nói là mặc dù đã đăng ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus và ký biên bản ghi nhớ mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ (14/6/2018), hãng hàng không Bamboo Airways mới chỉ có thỏa thuận với CDB Aviation Lease Finance (Hồng Kông) về việc thuê khô 3 tàu bay A320 mới với thời hạn 8 năm.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, Bamboo Airways đã xuất trình được bản chính giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) ngày 29/5/2018 của Ngân hàng TMCP Quốc dân với số tiền 700 tỷ đồng.

Như vậy, Bamboo Airways đã đáp ứng được quy định về vốn tối thiểu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 của Nghị định 92 với quy mô khai thác 10 tàu bay, phạm vi khai thác: quốc tế và nội địa.

Đánh giá về phương án sử dụng các Cảng hàng không Nội Bài, Vân Đồn và Phù Cát làm nơi đậu tầu bay qua đêm của Công ty Tre Việt, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá có đủ năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay, khả thi, bảo dưỡng cũng như chứng chỉ tổ bay đối với đội tàu bay của Công ty Tre Việt.

Bamboo Airways đã chọn Phù Cát làm sân bay căn cứ, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu sân bay này không được nâng cấp trước năm 2021 để đón/nhận đội tàu bay Boeing 787-9 của hãng thì Bamboo Airways sẽ phải “gửi” máy bay đỗ qua đêm tại các cảng hàng không khác. Điều này cũng đi ngược với đề xuất của chính Bamboo Airways trong dự án đầu tư.

Trong trường hợp được Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng hàng không Bamboo Airways cần phải đáp ứng được một thủ tục quan trọng khác để có thể bắt đầu bay là được cấp AOC (Aircraft Operator Certificate).

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra khuyến nghị: “Để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ ra công chúng, Bamboo Airways cần phải có AOC và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ”.

Ngoài ra, hãng hàng không Tre Việt phải thực hiện đúng chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển 5 năm cho giai đoạn 2019-2023, phải đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ cũng như không gây áp lực lên hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách.

Video: Phi công đòi khởi kiện, Cục Hàng không lên tiếng

AOC (Aircraft Operator Certificate) là chứng chỉ nhà khai thác máy bay được nhà chức trách hàng không phê chuẩn cho phép nhà khai thác đó được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ cho phép.

Hiệu lực của AOC tùy thuộc vào nhà chức trách hàng không. Các điều kiện đặt ra cho việc cấp chứng chỉ AOC là: nhà khai thác phải có máy bay để khai thác, phải thỏa mãn những yêu cầu về an toàn, tính khả thi, có trụ sở, văn phòng và nhất là phải không có AOC của nhà chức trách khác.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Bình luận
vtcnews.vn