• Zalo

Bài viết của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhân dịp 70 năm ra đời Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế

Thế giớiThứ Hai, 10/12/2018 15:15:00 +07:00Google News

"Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh viết.

Nhân dịp 70 năm ra đời Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết: "Việt Nam nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền của mọi người dân, đóng góp vào những giá trị chung của nhân loại về quyền con người".

VTC News trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết đến bạn đọc: 

Ngay sau khi Liên hợp quốc được thành lập, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua là Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948.

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế hướng tới những giá trị chung của nhân loại sau hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc với hàng triệu người thiệt mạng, bị mất người thân, nhà cửa, phương tiện sinh sống, bị buộc phải di cư, tị nạn.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền là văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền được hưởng an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công, quyền làm việc, nghỉ ngơi, quyền học tập, quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt với bà mẹ và trẻ em.

Bên cạnh đó, Tuyên ngôn cũng khẳng định mọi người đều phải có nghĩa vụ với cộng đồng, tôn trọng thích đáng các quyền và tự do của người khác, đáp ứng những yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung. Những nội dung này đã tạo nền tảng quan trọng cho sự ra đời của các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người sau này, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và các công ước khác về quyền trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật.

pho_thu_tuong_minhcp-10_14_09_603

  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nhìn lại 70 năm qua, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Người dân trên hàng chục quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh đã giành được quyền dân tộc tự quyết, tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Hàng triệu người lao động trên thế giới đã được bảo đảm về giờ lao động và các quyền của khác của người lao động; hàng triệu phụ nữ đã được bảo đảm quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và tham gia vào đời sống chính trị, xã hội… Nhìn nhận một cách khách quan, chính chủ nghĩa Mác – Lê nin và sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa đã có đóng góp rất lớn vào những tiến bộ chung của nhân loại về quyền con người, bảo đảm đầy đủ hơn công bằng xã hội.

Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn. Các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thụ hưởng quyền con người. Chính trị cường quyền, tình trạng áp đặt, tiêu chuẩn kép vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn thể chế chính trị và con đường phát triển của các dân tộc. Việt Nam luôn đấu tranh không ngừng trước tình trạng đó; đồng thời đóng góp tích cực vào việc làm giàu những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: “các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng những giá trị quyền con người đó cũng phải được áp dụng cho mọi người dân, mọi dân tộc, kể cả ở các nước thuộc địa. Người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới.

Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Chính vì vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng, khích lệ cho cuộc đấu tranh của hàng chục quốc gia ở châu Phi, Mỹ La tinh trong những năm 1960, 1970.

Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.

Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017.

Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh thành đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hàng năm. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới, với 50 triệu người sử dụng internet.

Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu… Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng nhân quyền thông qua 2 nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ.

Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên hợp quốc. Vừa qua, Việt Nam đã nộp Hội đồng nhân quyền báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III và dự kiến sẽ tham gia phiên đối thoại với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc vào tháng 1/2019. Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã cập nhật những nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền con người, thành tựu bảo đảm quyền con người trong thực tiễn, đồng thời thông tin, chia sẻ về kết quả thực hiện các khuyến nghị.

Trong thời gian tới, để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chính phủ kiến tạo vì người dân”, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.

Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế trong thế kỷ XXI.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Bình luận
vtcnews.vn