• Zalo

Bài thuốc chữa xơ gan khó tin của bà lang người Thái

Thời sựThứ Năm, 12/09/2013 11:44:00 +07:00Google News

Giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc có một bà lang người dân tộc Thái chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân xơ gan từng bị bệnh viện trả về.

Giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc có một bà lang người dân tộc Thái chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân xơ gan từng bị bệnh viện trả về.

Bệnh xơ gan được coi là một trong “tứ chứng nan y”, đến nay y học hiện đại vẫn bó tay không chữa khỏi. Thế nhưng giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc có một bà lang người dân tộc Thái tên là Hà Thị Đào - 68 tuổi, thường được gọi theo tên chồng là bà lang Tiến - đã tìm ra và kết hợp những dược liệu quý trên rừng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân xơ gan từng bị bệnh viện trả về.

Bà lang Tiến.
Bà lang Tiến. 
Người trở về từ cõi chết

Trong thời gian chờ đợi bà Tiến từ trên rừng trở về, chúng tôi được người dân chỉ cho một bệnh nhân là người địa phương đã từng bị bệnh bụng phình to (bệnh xơ gan) theo cách gọi của người dân tộc Thái ở đây. Đó là anh Hà Văn Nhũng, 45 tuổi, ở bản Ngõa, xã Mai Hịch. Trước đây, anh Nhũng uống rượu nhiều nên bị bệnh xơ gan.

Tuy nhiên, đến năm 2010 anh mới phát hiện bệnh, được gia đình đưa xuống bệnh viện huyện, tỉnh để điều trị, nhưng các bác sĩ đành bó tay vì bệnh của anh đã quá nặng. Trở về, sức khỏe của anh Nhũng giảm sút nghiêm trọng, bụng phình to, đi lại vô cùng khó khăn.

“Lúc đó dù mọi người không nói, nhưng tôi biết đã chuẩn bị hết mọi công việc hậu sự. Thương tôi, vợ và các con dù rất đau buồn nhưng vẫn cố giấu để cho tôi được vui vẻ” - anh Nhũng chia sẻ.


Đang lúc tuyệt vọng thì người trong bản mách đến nhà bà lang Tiến nhờ bà chữa giúp. Đã nghĩ bệnh viện trả về thì làm sao bà lang có thế cứu chữa được, nhưng thấy chồng đau đớn, vợ anh Nhũng cũng đến nhờ bà. Bà Tiến bảo cứ về lấy phiếu kiểm tra kết quả ở bệnh viện đưa đến, bà sẽ cắt thuốc cho.

Lần đầu tiên bà cắt cho anh Nhũng 5 thang uống trong nửa tháng. Đến 10 ngày sau bụng đã bớt trướng và xẹp dần. Hết 5 thang đầu thì anh đã cảm thấy bệnh bị đẩy lui. Sau lần đó, anh lấy thuốc uống thêm 3 tháng nữa thì người như khỏe hẳn, ăn được, ngủ được.


Ngày tết anh đến cảm ơn, bà Tiến rót cốc rượu lá Mai Hạ (đặc sản Mai Châu) thơm lừng mời anh. Anh nhất quyết từ chối: “Cháu không uống đâu, được bà chữa khỏi bệnh, cháu sẽ không bao giờ uống dù 1 giọt rượu”. Bà Tiến bảo: “Đúng là bệnh của anh thì không nên uống rượu, nhưng giờ anh khỏi rồi, chỉ uống một chút thì không sao cả”.

Từ đó đến nay, mỗi lần nhà có công việc hay dịp lễ tết anh vẫn có thể ngồi uống với bạn bè, anh em mà không cần lo lắng đến bệnh tật trước đây. Điều quan trọng hơn là anh đã có sức khỏe để cùng vợ con đi nương đi rẫy, cuộc sống gia đình cũng bớt phần khó khăn, vất vả.

Bà lang của những bệnh nhân nghèo

Chiều xuống, chúng tôi quay lại nhà bà Tiến thì cũng là lúc bà vừa từ trên núi lấy cây thuốc về. Trên lưng gùi nặng những đoạn rễ cây vẫn còn ứa nhựa đỏ, bà Tiến mời chúng tôi vào nhà rồi giới thiệu: “Đó là cây bổ máu, thường mọc ở trên núi cao. Sau khi mang về cắt nhỏ, phơi khô sắc uống, có công dụng làm mát gan, giải nhiệt và bổ máu, rất cần trong bài thuốc chữa bệnh xơ gan”.

Bà Tiến kể, bà lớn lên trong một gia đình mà từ thời ông cha đã làm nghề thuốc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông nội và cha bà đã nhiều lần được mời đi chữa bệnh cho các anh bộ đội ở bên bản Mường Hịch, cách nhà bà hơn 10 cây số đường rừng.

Khi còn nhỏ, bà đã theo cha lên  núi mang cây thuốc về chữa bệnh cho mọi người. Khi mới 12-13 tuổi, mỗi lần cha vào rừng hái thuốc, bà cũng đòi đi bằng được.
Lúc đầu ông không cho theo, nhưng sau thấy cô con gái thực sự say mê nên ông cũng đồng ý. Rồi mỗi lần ông lội suối, leo đèo đi chữa bệnh cho mọi người, bà cũng xin đi theo bằng được để học cách chữa bệnh.

Dù có tuổi, nhưng bà Tiến vẫn ở ngôi nhà ven rừng ngay cạnh những ngọn núi cao để thuận tiện cho công việc tìm kiếm cây thuốc. Bà nói: “Ta còn ở đây, khi nào chân không leo được những con dốc, mắt không còn tìm được cây thuốc mới về ở cùng các con gần khu trung tâm xã. Ông trời còn cho ta sức khỏe, ta còn đi tìm cây thuốc chữa bệnh cho mọi người”.

Đến nay, bà lang Tiến đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân ở gần có, ở xa như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An cũng có. Nhiều người bệnh sau khi chữa trị ở các nơi hết tiền, giờ tìm đến đã được bà chữa trị, lo cho chỗ ăn nghỉ, nhiều lúc còn cho tiền tàu xe đi về. Người dân địa phương thì rất thích đến bà nhờ bà lấy thuốc giúp, vì vừa hết ít tiền mà hiệu quả thì trông thấy.

“Bà Tiến đúng là bà lang của những bệnh nhân nghèo” - anh Hà Văn Nhếch, một người dân trong bản cho biết. Phương thuốc đặc trị chữa bệnh xơ gan mà bà tiết lộ với chúng tôi gồm các loại cây dược liệu: Co dưỡng, co chỉ tai, nhổng nhểnh, là vàn và cây bổ máu được cắt thành thang, sắc uống đến khi nào nhạt nước thì thôi. Nặng thì có thể 3-6 tháng, nhẹ thì chỉ 15-30 ngày là khỏi.

Ngoài ra, bà lang Tiến còn có thể chữa khỏi nhiều bệnh khác, như trường hợp của anh Hà Công Vịu - 40 tuổi ở Tòng Đậu (Mai Châu) khỏi bệnh trĩ ngoại hay chị Đinh Thị Thẩm - 38 tuổi ở Bùi Trám (Lương Sơn) được bệnh viện kết luận là u não, không thể phẫu thuật và trả về, sau 3 tháng uống thuốc của bà Tiến khỏi bệnh, gia đình đưa chị lên Bệnh viện K kiểm tra lại thì hoàn toàn không còn u nữa. Mừng quá, ngay ngày hôm sau chị bắt xe lên gặp bà cảm ơn và xin bà Tiến nhận mình làm con nuôi.

Hội Đông y công nhận


Với những đóng góp trong việc bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, tháng 2/2002, bà Tiến đã được Hội Đông y tỉnh Hòa Bình công nhận là hội viên và cấp thẻ hành nghề, sinh hoạt trong Hội Đông y của tỉnh.
Đời thường, thu nhập chính của gia đình bà vẫn từ ruộng nương. Còn khi có người bệnh, bà lại trở thành thầy lang bốc thuốc chữa bệnh giúp đời. Trên 50 năm làm nghề đến nay, bà đã có nhiều bài thuốc quý cho từng bệnh nhân và căn bệnh cụ thể.

Theo bà Tiến, làm nghề từ đời các cụ đã tâm niệm làm nghề thuốc là giúp người lấy phúc, sống một cuộc đời giản dị: “Cuộc đời ta luôn quan niệm ai biết thì đến, cố gắng chữa trị và không đặt ra vấn đề vật chất, tiền bạc, bởi người bị bệnh đã khổ trăm đường, nên giúp được họ đến đâu ta sẽ cố gắng hết sức”.

Bà có tới 6 người con (2 trai, 4 gái) hiện đã trưởng thành, lập gia đình cũng ở địa phương. Bà cũng đã chọn người con trai cả là Ngần Văn Ậm - 45 tuổi, hiện là Bí thư chi bộ xóm Ngõa - để truyền lại nghề thuốc, tiếp tục chữa bệnh giúp người.


Ông Hoàng Công Đảng - nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Mai Châu - đã từng bị bệnh viện trả về vì ung thư gan, lá lách, trong thời gian tuyệt vọng đã được mọi người giới thiệu đến nhờ bà Tiến với hy vọng mong manh “còn nước, còn tát”. Sau hai tháng miệt mài uống thuốc của bà lang Tiến, ông Đảng thấy người khỏe dần rồi khỏi hẳn, lên bệnh viện khám lại thì không còn triệu chứng của bệnh cũ nữa.

“Phần lớn các bài thuốc của người dân tộc vùng cao ở Hòa Bình còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu. Tôi được khỏe mạnh như ngày hôm nay là nhờ vào sự kỳ diệu ấy. Bên cạnh đó, các ông lang, bà lang đã góp phần vào việc gìn giữ và dùng các cây dược liệu quý chữa bệnh cho người dân địa phương mà đa phần là những người nghèo".
"Rất cần sự đánh giá công tâm và khoa học về các bài thuốc quý dân gian để nhiều người có cơ hội được sống sau khi các bệnh viện đầu ngành đã phải bó tay” - ông Đảng vui vẻ cho biết.

Anh Hà Văn Nhũng - 45 tuổi, bị xơ gan, bụng phình to, bệnh viện đã trả về. Tìm đến bà lang Tiến cắt thuốc, sau 10 ngày bụng anh đã bớt trướng và xẹp dần. Hết 5 thang đầu, anh đã cảm thấy bệnh bị đẩy lui, uống thêm 3 tháng nữa thì người khỏe hẳn, ăn được, ngủ được.



Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn