• Zalo

Bãi rác rỉ nước bẩn ra sông: Dân thủ đô có bị 'đe dọa'?

Thời sựThứ Tư, 10/12/2014 12:36:00 +07:00Google News

Nước thải từ bãi rác khổng lồ rỉ ra sông Đà khiến nhiều người dân thủ đô lo ngại họ đang phải dùng nước bẩn để sinh hoạt.

(VTC News) – Nước thải từ bãi rác khổng lồ rỉ ra sông Đà khiến nhiều người dân thủ đô lo ngại họ đang phải dùng nước bẩn để sinh hoạt. 

Chiều 9/12, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex đã trao đổi về vấn đề bãi rác Dốc Búng, phường Tân Hòa, tỉnh Hòa Bình rỉ nước ra sông Đà, đe dọa nguồn nước sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Ông Tốn khẳng định, sự việc không ảnh hưởng đến chất lượng nước từ nguồn và nước sạch cấp ra từ nhà máy nước sông Đà.

Cụ thể, theo tính toán của Vinaconex, lượng nước từ bãi rác Dốc Búng xả xuống sông Đà khoảng 6.000 - 10.000 m3/ngày đêm, vị trí bãi rác Dốc Búng cách khoảng 15 km và nằm phía bên kia sông Đà so với cửa kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch. 

 Bãi rác Dốc Búng, Hòa Bình. (Ảnh: VTV)

Theo tính toán lưu lượng nước sông Đà (vào mùa lũ là 368 triệu m3/ngày đêm và mùa cạn là 38 triệu m3/ngày đêm, trung bình khoảng 200 triệu m3/ngày đêm), thì trung bình mỗi ngày đêm khoảng 6 - 10 m3 nước thải từ bãi rác hòa vào nước sông Đà phía bên kia sông, cách điểm lấy nước 15 km.

Ông Tốn cho rằng, cùng với quá trình tự làm sạch và thời gian khoảng 1 tháng để trong bể lắng thì lượng nước thải này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước đầu vào khi sản xuất nước sạch. 

Về kiểm soát chất lượng nước, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex thường xuyên kiểm tra nguồn nước thô đầu vào, các công đoạn xử lý và kiểm soát chất lượng nước đến đồng hồ tổng cấp cho khách hàng. 

Kết quả phân tích gần đây nhất, ngày 19/11, cho thấy chất lượng nước sạch của Vinaconex đều bảo đảm về chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt. Do đó, người dân Hà Nội có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nguồn nước sông Đà.

Liên quan đến tình hình cung cấp nước sinh hoạt nói chung trên địa bàn thành phố, theo báo cáo của các đơn vị cấp nước, hiện tổng lượng nước trung bình cấp cho thành phố là khoảng 880 nghìn đến 900 nghìn m3/ngày đêm. 

Trong đó, từ nguồn nước ngầm là 670 nghìn m3, từ nhà máy nước mặt sông Đà là 230 nghìn m3. Chất lượng nước từ các nhà máy và từ các trạm cấp cơ bản đạt chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Cá biệt có một số trạm cấp nước cục bộ không đảm bảo chất lượng như tại Khu đô thị Mỹ Đình I, II, khu chung cư Nam Đô, tập thể 310 Minh Khai… đã được chuyển sang sử dụng nguồn nước tập trung của thành phố.

Trước phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng nước tại một số khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư không đảm bảo, ông Hoàng Nam Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra đột xuất, lấy khoảng 100 mẫu nước tại các khu đô thị mới Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Định Công, Việt Hưng, Tân Tây Đô, Xa La, CT2 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông... để xét nghiệm. 

Kết quả chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định, trừ chất lượng nước ở khu đô thị mới Tân Tây Đô không đạt yêu cầu. Hiện, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư khu đô thị mới Tân Tây Đô dừng trạm cấp nước cho khu đô thị để chuyển sang nguồn nước khác đảm bảo chất lượng. 

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn