• Zalo

Bài học về 'nhốt quyền lực trong lồng cơ chế' từ sai phạm ông Nguyễn Đức Chung

Tin nhanh 24hThứ Ba, 17/08/2021 15:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc ông Nguyễn Đức Chung "mất tất cả" là bài học sâu sắc về "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" và quản lý cán bộ.

Để chống tham nhũng có hiệu quả, quản lý tốt cán bộ, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, liêm chính, Đảng ta có nhiều nghị quyết, quy định về kiểm soát quyền lực.

Vấn đề này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh tại các hội nghị của Đảng về chỉnh đốn, xây dựng Đảng, về chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là phòng chống tham nhũng.

Nhiều lần Tổng Bí thư từng sử dụng hình ảnh “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để đề cao việc cấp thiết phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bởi một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, được trao quyền lớn mà không được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, luật lệ, không có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng thì rất dễ có sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực, vi phạm nguyên tắc, pháp luật, dẫn tới tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, câu kết “nhóm lợi ích”. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ qua, công tác phòng chống tham nhũng có những tiến bộ, có bước đột phá, nhiều vụ án tham nhũng lớn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng được phát hiện, xử lý, hơn 130 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, bị phạt tù… Rất đau xót, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, Bộ trưởng.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, do cán bộ tu dưỡng, rèn luyện kém, không vượt qua được cám dỗ danh vọng, tiền tài, vật chất và các tác động tiêu cực khác dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ… Nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân rất quan trọng là tổ chức Đảng, chính quyền những nơi đó hoặc là chưa coi trọng việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, hoặc do tâm lý “dễ người, dễ ta”, dẫn đến ngại va chạm, nể nang mà buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát quyền lực đối với cán bộ, nhất là khi người đó lại đứng đầu cơ quan, bộ máy.

Vì thế, không hiếm người đứng đầu được thể, coi thường nguyên tắc Đảng, kỷ cương, pháp luật, lợi dụng, lạm dụng quyền lực thao túng, tự tung, tự tác, chỉ đạo cơ quan, cấp dưới làm theo ý mình và lẩn khuất đằng sau đó là ý đồ trục lợi cho cá nhân, người thân, gia đình mình.

Không chỉ vậy, họ còn lôi kéo cả tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng đơn vị, địa phương, cán bộ thuộc quyền mắc sai phạm, khuyết điểm. Những trường hợp này đã bị xem xét, xử lý kỷ luật, pháp luật, không ít tập thể Ban Thường vụ cấp ủy phải kiểm điểm, bị xử lý kỷ luật rất nghiêm khắc của cấp có thẩm quyền… Những kết luận của UBKT Trung ương với một số tổ chức Đảng, Ban Thường vụ và các cán bộ suy thoái, biến chất vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Bài học về 'nhốt quyền lực trong lồng cơ chế' từ sai phạm ông Nguyễn Đức Chung - 1

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố trong 3 vụ án.

Có nhiều ví dụ cho nhận định này mà khá điển hình là vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, học vị Tiến sĩ Luật, Anh hùng LLVT nhưng trở thành tội phạm, bị khai trừ Đảng, bị truy tố trong 3 vụ án.

Ngoài vụ bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến vụ án buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền... của Công ty Nhật Cường, ông Chung còn bị khởi tố ở 2 vụ án nữa xảy ra đều từ dùng quyền lực để chỉ đạo, can thiệp trái luật trong hoạt động kinh tế, tài chính mà không được phát hiện, ngăn chặn sớm.

Đó là vụ bị can can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hà Nội năm 2016. 

Tại vụ này, cựu Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, can thiệp, dừng thầu, hủy thầu gói thầu số hóa năm 2016 không có căn cứ, tạo điều kiện để Liên danh Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh trúng thầu, dù không đủ năng lực để thực hiện dự án số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2016 với tổng dự toán 43 tỷ đồng.

Ngày 26/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can này về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gây thiệt hại cho nhà nước 20 tỷ đồng.

Vụ án đã cuốn nhiều cán bộ thành phố chủ chốt cấp sở, phòng, doanh nghiệp thành bị can là Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội; Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh, cùng Lê Duy Tuấn, cán bộ kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh. 

Bài học về 'nhốt quyền lực trong lồng cơ chế' từ sai phạm ông Nguyễn Đức Chung - 2

Từ trái qua: Bị can Nguyễn Văn Tứ, Phạm Thị Kim Tuyến và Nguyễn Tiến Học. (Ảnh: Bộ Công an)

Vụ thứ 3, Cơ quan điều tra đã hoàn thành kết luận điều tra gửi cơ quan Kiểm sát đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đức Chung trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ này, cựu chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C từ Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic, là công ty gia đình của bị can với giá cao hơn mua trực tiếp từ công ty của Đức, gây thiệt hại cho Nhà nước 36 tỷ đồng. 

Trước dư luận ồn áo, những dấu hỏi của báo chí, người dân về tính minh bạch và hiệu quả của dự án dùng chế phẩm Redoxy xuất xứ Đức để cải thiện tình trạng ô nhiễm nước hồ Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội ban hành Quyết định thanh tra về việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội.

Thực hiện quyết định này, Thanh tra TP Hà Nội đã thanh tra và ngày 12/2/2020, Chánh thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy ký ban hành Kết luận Thanh tra số 555 về nội dung nêu trên. Kết luận này chỉ rõ ra nhiều sai phạm của các đơn vị chức năng TP Hà Nội trong việc mua sắm chế phẩm hóa chất Redoxy 3C với giá trị lớn nhưng không qua đấu thầu. Những tưởng, kết luận này là khách quan, đúng đắn, Ủy ban nhân dân TP chấp nhận và ra quyết định xử lý theo kiến nghị thanh tra.

Nhưng chỉ 14 ngày sau khi ký ban hành Kết luận thanh tra số 555, ngày 26/2/2020, ông Nguyễn An Huy ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, trong đó nêu rõ “kết luận này thay thế Kết luận số 555 ngày 12/2/2020” mà không nêu rõ bất cứ lý do nào.

Sự việc này làm báo chí, dư luận thấy bất ngờ, nhưng phần nào cũng hiểu vì sao lại như vậy và thấy bất lực, mất niềm tin vào sự công minh, chính trực của cơ quan Thanh tra Thành phố, cơ quan có chức năng là thanh bảo kiếm bảo vệ pháp luật.

Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ, vụ này, ông Nguyễn Đức Chung lại lợi dụng chức vụ của mình đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng, ép buộc Thanh tra TP Hà Nội kết luận theo hướng không đúng bản chất vụ việc là không có sai phạm để che giấu hành vi phạm tội, trục lợi, để tránh nguy cơ phạm tội hình sự. 

Về việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, kết luận thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo và đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Đáng chú ý, trong tất cả vụ án kinh tế, liên quan Luật đấu thầu, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đều dùng quyền hạn người đứng đầu để chỉ đạo, can thiệp như dừng thầu đột ngột với đối tác có tiềm năng, uy tín để chỉ định thầu cho đối tác kém năng lực, có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế. Hoặc việc mua chế phẩm của công ty sân sau… rồi trắng trợn o ép, đe dọa Thanh tra TP buộc phải thay đổi bản chất kết luận thanh tra, những hành động này quá rõ về lạm dụng quyền lực, sự tự tung, tự tác, cả sự xảo quyệt của bị can. 

Nhưng thật đáng tiếc, hành vi làm trái pháp luật của cựu Chủ tịch này cứ diễn ra, không phải nhất thời một việc, vậy nhưng các cơ quan chức năng của Đảng bộ, chính quyền thành phố sao lại hầu như không hay biết, hoặc nếu biết lại không sử dụng mọi công cụ của Đảng, chính quyền là kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán… để có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, mà để bị can dùng uy quyền của người đứng đầu chính quyền Thành phố, lại ngay sát các cơ quan Trung ương, ép buộc, lôi kéo nhiều cán bộ thuộc quyền buộc phải răm rắp nghe theo, làm trái pháp luật không chỉ trong một dự án, vụ việc mà nhiều hơn thế. 

Hậu quả là Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội, Đảng, nhà nước mất nhiều cán bộ, nhưng đau xót hơn, sự biến chất của những cán bộ như ông Chung đã bôi xấu danh dự, uy tín của Đảng bộ, UBND TP Hà Nội, truyền thống vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến, tổn thương nghiêm trọng đến niềm tự hào của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Thành phố Anh hùng, trái tim thân yêu của cả nước.

Những vấn đề nêu trên rất cần được lãnh đạo Thành ủy, Chính quyền Hà Nội tiếp tục làm rõ, nghiêm túc rút kinh nghiệm thật thấm thía, sâu sắc, nhất là góc độ giám sát quyền lực, giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức, quyền cao để không để xảy ra vụ việc, sai lầm tương tự.

Trịnh Thanh Phi
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp