• Zalo

Bãi đỗ xe: Ai cũng muốn sạch đẹp, đẩy khó thành phố

Thời sựThứ Sáu, 20/04/2012 12:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Một số cơ quan đang đẩy cái khó cho Thành phố. Họ muốn khuôn viên sạch đẹp đẩy bức xúc cho xã hội hoặc làm kinh doanh dịch vụ khác.

(VTC News) - “Việc thí điểm thay đổi Phí trông giữ xe thành Giá trông giữ xe tại Hà Nội và TP. HCM sẽ là bước chuyển biến lớn, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào xây dựng bãi đỗ xe”, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đánh giá.


>> Giá gửi xe: Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết
>> Hà Nội sắp có hàng loạt bãi đỗ xe mới
>> Hà Nội cấm trông xe: Phạt nhiều, vi phạm vẫn lắm


Vừ qua, Chính phủ đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc thí điểm thay đổi “Phí trông giữ xe” thành “Giá trông giữ xe” tại Hà Nội và TP. HCM để thu hút đầu tư vào các điểm đỗ xe, xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

- Ông có thể cho biết quan điểm của mình về chủ trương đổi “Phí trông giữ xe” thành “Giá trông giữ xe”?

Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ. 

Ông Thạch Như Sỹ: Đây sẽ là bước chuyển biến lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào bãi đỗ xe.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá và phí. Phí là của Nhà nước, công cộng mà ai dùng thì đóng một phần phí. Ví dụ dùng lòng đường, vỉa hè, khu đất trống… trả Nhà nước một phần phí này.

Nhưng nhà đầu tư thì là đất của họ, họ kinh doanh thì phải trả về giá chứ không phải phí. Trông giữ thô sơ có giá khác, có mái che giá khác, nhà trông giữ thông minh, dùng công nghệ hiện đại, tự động… thì phải giá khác. Dịch vụ thế nào giá thế đó.

Người dân có quyền lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mình, đây là nhu cầu rất lớn và có thật của nhân dân.

Các nhà đầu tư đều nhìn thấy nhu cầu dịch vụ đỗ xe là có thật và có thể làm ra tiền ngay. Tuy nhiên, chính mức phí trông giữ đã khiến người ta ngại.

- Nếu để doanh nghiệp được tự quyết, giá có thể bị “thổi” lên quá mức, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Doanh nghiệp được quyền quyết định giá vé là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vé cần sự quản lý của Vụ Chính sách giá (Bộ Tài chính - PV) nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Giá vé trông giữ xe cũng giống như giá taxi. Các nhà kinh doanh quyết định giá trên thang bậc giá mà Nhà nước đưa ra.

- Hiện nay, đất dành cho giao thông tĩnh quá thiếu, quy hoạch các điểm đỗ xe bị phá vỡ và đẩy cái khó cho thành phố, ông đánh giá thế nào về thực tế này?

Giao thông tĩnh rất quan trọng nhưng giao thông động còn quan trọng hơn. Đầu tiên, ngành giao thông phải quan tâm đi lại cho nhân dân thật tốt, ưu tiên giao thông động rồi mới lo đến được tĩnh.

Hiện nay, giao thông tĩnh hay động ở Hà Nội đều khó khăn. Chúng ta sử dụng quá nhiều cơ sở hạ tầng cho đỗ xe. Thiếu thì vẫn thiếu nhưng nếu biết lựa thì vẫn đủ. Mỗi người hy sinh đi một chút, khó đi một chút vì lợi ích chung thì sẽ làm được.

Hà Nội vẫn đang mở rộng những khu đất, các cơ sở ngoài đê, kêu gọi các nhà đầu tư. Thành phố đang vừa xây và vừa chống với việc thiếu các điểm đỗ xe. Bước đầu có thể gặp khó khăn nhất định, và thực tế đang khó khăn thật.

Phối cảnh bãi đỗ xe cao tầng trên đường Nguyễn Công Hoan, với thiết kế 4 tầng, sức chứa 255 chỗ đỗ ô tô, vốn đầu tư 65 tỷ đồng, dùng công nghệ của Nhật Bản.

- Theo quy định của Bộ Xây dựng, các nhà cao tầng muốn được cấp phép xây phải thiết kế đủ chỗ để xe cho người dân trong tòa nhà, nhưng hiện nay việc này chưa được thực hiện đầy đủ?

Trong quy hoạch và trong cấp phép xây dựng có nói rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe…Nhưng hiện này vẫn có quá ít toà nhà làm được điều này. Vì vậy, chúng ta cần làm nghiêm túc.

Tại Hà Nội có một số điểm đã quy hoạch làm điểm đỗ xe xây dựng rồi nhưng lại không sử dụng đúng mục đích thực hiện như: Thư viện quốc gia đang bán café Trung Nguyên; Ngã ba Đinh Lễ đang bán rượu; Ngã tư Khâm thiên đang làm hầm bán rượu tòa nhà cao tầng… Tôi cho rằng Uỷ ban Nhân dân cần kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng đúng mục đích.

Một số trường học dù có sân rộng, nhưng đẩy học sinh, phụ huynh đến đưa đón con ra ngoài đường đứng đợi, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì ý nghĩa sư phạm còn không?

Một số cơ quan đang đẩy cái khó cho Thành phố. Họ muốn khuôn viên sạch đẹp đẩy bức xúc cho xã hội hoặc làm kinh doanh dịch vụ khác. Chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp góp ý với thành phố.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Việt(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn