Theo đó, vào lúc 2h ngày 7/7, vợ chồng anh Hoàng X. (32 tuổi) và chị Văn Thị T. (ở xã Vinh Hà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi đánh bắt hải sản bằng lừ ở khu vực biển Hòn Chảo, đoạn giáp ranh vùng biển Đà Nẵng.
Đến 3h sáng, khi vợ chồng anh X. đứng trên thuyền thì chị T. bất ngờ bị con bạch tuộc cắn ở chân, khiến chị ngất lịm. Anh X. vội cho thuyền chạy vào bờ rồi thuê xe đưa chị T. vào Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết vợ anh đã tử vong.
Chiều 9/7, ông La Đình Tân – Chủ tịch xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) cho biết, sau khi xảy ra sự việc cơ quan chức năng đã về địa phương làm việc, thu giữ con mực bạch tuộc (đã chết) cắn chị T. gây tử vong rồi giao lại cho gia đình.
Gia đình chị T không muốn đưa con bạch tuộc đó đi kiểm nghiệm mà chỉ xem là tai nạn. Vì thế, gia đình cam kết không làm các thủ tục gì khác về cái chết của chị T.
Trước sự việc đau lòng này, chúng tôi đã trao đổi một số chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Trung Nguyên –phụ trách Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã từ chối trả lời vì cho rằng, thông tin về vụ việc chỉ là đăng trên mạng mà không có các dữ liệu đầy đủ và cần thiết, cũng như không có hình ảnh cụ thể để xác thực vụ việc, nên không thể trả lời được.
Video: Bé trai 6 tuổi bị bạch tuộc cắn suýt mất mạng
GS. Ngô Đắc Chứng, chuyên gia sinh học – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, cũng cho biết bạch tuộc tấn công gây chết người rất hiếm khi xảy ra ở Việt Nam. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm nghiệm, xác định và công bố thông tin chính thức để người dân biết và phòng tránh.
Chúng tôi cũng đã liên lạc được với một giáo sư đầu ngành về chống độc của Việt Nam, người từng làm Giám đốc Trung tâm chống độc nhiều năm liền và được ông cho biết: Thông tin về việc bạch tuộc cắn chết người là hết sức vô lý. Hơn 30 năm làm nghề, năm nào Trung tâm chống độc nơi ông làm việc và nhiều bệnh viện trên cả nước đã phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bạch tuộc cắn khi đi tắm biển, nhưng chưa có trường hợp nào tử vong, mà đều được điều trị khỏi. Cũng không có trường hợp nào tổn thương nặng nề.
Xúc tu của con bạch tuộc bám vào người và tiết ra dịch có thể gây hoại tử, nhưng chỉ tổn thương tại chỗ. Để có thể đủ chất độc gây chết người thì phải trên diện rộng, nhưng con bạch tuộc được cho là tấn công khiến chị T. tử vong (theo như ảnh trên báo mạng đưa) lại quá bé để làm được điều đó.
Trước ý kiến cho rằng liệu có phải con bạch tuộc gây tử vong cho chị T. thuộc giống bạch tuộc đốm xanh lớn (tên khoa học Hapalochlaena lunulata), có độc tính mạnh ở tuyến nước bọt mang tên là tetrodotoxin giống như cá nóc, khiến chất độc theo đường máu gây tê liệt hệ thần kinh, sau đó làm trụy tim nên tử vong, vị giáo sư giàu kinh nghiệm về chống độc cho biết:
Loài bạch tuộc đốm xanh lớn có thể gây chết người, nhưng trong trường hợp ăn nhầm, chứ không phải là bị “cắn”. Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng cũng luôn khuyến cáo tuyệt đối không ăn bạch tuộc đốm xanh.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần phải giám định con bạch tuộc để có kết quả khách quan, chính xác về cái chết của chị T. Bởi thông tin cho rằng chị T. bị con bạch tuộc nhỏ như thế cắn chết là không thuyết phục, có thể có thông tin gì cần giấu phía sau. Mà thông tin không đúng sẽ gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng đến du lịch biển.
Còn trong trường hợp ăn nhầm loài bạch tuộc đốm xanh lớn mà có những dấu hiệu ngộ độc như tê môi, tê tay..., TS. dinh dưỡng Nguyễn Hữu Toản khuyến cáo: Cần tiến hành ngay các biện pháp sơ cứu như kích thích gây nôn có thể bằng việc cho uống than hoạt tính, vì than này có tác dụng hấp thu chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa.
Bệnh nhân được uống trong vòng một giờ sau khi ăn, hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu nạn nhân bị rối loạn ý thức, thở yếu hoặc ngừng thở, phải khẩn trương làm biện pháp hà hơi thổi ngạt. Trong mọi trường hợp, phải tìm mọi cách nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tiến hành các biện pháp điều trị tích cực.
Bình luận