Tỉnh thứ 4 có người mắc bệnh
Tính tới chiều 7/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, gấp 3 lần so với năm 2019. Trong đó Đắk Lắk là tỉnh thứ 4 ghi nhận trường hợp dương tính với bạch hầu. Đó là bà H.B.J. (52 tuổi, dân tộc M’Nông, trú tại Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk), địa phận giáp ranh với vùng dịch của huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông).
Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người. Gia Lai có thêm 5 ca, nâng số ca mắc lên 15 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 22 ca mắc.
Ngoài ra, khu vực này đã có 3 người chết do bạch hầu, 2 người ở Đắk Nông và 1 ở Gia Lai.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Ba trường hợp qua đời ở Đắk Nông và Gia Lai đều ở vùng sâu, vùng xa.
Tập trung chống bạch hầu như COVID-19
Tại cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng chống bệnh bạch hầu chiều 7/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu toàn ngành cần tập trung hết sức phòng, chống bệnh bạch hầu như đã cố gắng để phòng, chống COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi, tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh và tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ từ 18-24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5-7 tuổi; với người lớn tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu.
Về vaccine phòng bệnh, Việt Nam bảo đảm được, tuy nhiên hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước (4 tỉnh Tây Nguyên), sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác điều trị vào 4 địa phương có dịch. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Dương tính chưa chắc mắc bệnh
Về thắc mắc có cần truy nguồn gốc F0, Ths.BS. Đinh Hà Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, việc này là không cần thiết vì người bị bệnh mắc tại chỗ, trong cộng đồng có những người lành mang trùng. Họ được gọi là người dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
“Dương tính với bạch hầu chưa chắc sẽ mắc bệnh. Bác sĩ cần kết hợp kết quả xét nghiệm dương tính với các triệu chứng của bệnh như ho, sốt, đau họng, hầu họng có màng trắng… để kết luận người đó có mắc bệnh bạch hầu hay không”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Nam, khó khăn nhất là thiếu vaccine tiêm cho người trên 7 tuổi vì không có chương trình. Hiện Sở Y tế đã làm văn bản gửi Bộ Y tế xin 100.000 liều vaccine bạch hầu tiêm phòng cho người dân ở khu vực có dịch”.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, Sở đã chỉ đạo các trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Lực lượng y tế liên tục giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có đến 2.407 người được tiêm vaccine sau khi bị chó dại cắn, nhưng 6 trường hợp không may qua đời.
Nguyên nhân chính là do việc quản lý đàn chó của người dân chưa chặt, xuất hiện nhiều con thả rông. Trong khi đó, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại chưa cao, nhiều người bị chó cắn không chịu đi tiêm phòng. Vì vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh dại ra cộng đồng là rất lớn.
Video: Đắk Nông nâng cấp độ chống dịch bệnh bạch hầu
Bình luận