(VTC News) - Bộ Xây dựng không hề đề xuất Nhà nước bơm tiền mua lại BĐS như một cách rót vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các DN, chủ đầu tư ngành xây dựng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Theo Thứ trưởng Nam, tại Việt Nam, thị trường BĐS hàng hóa còn nhỏ bé so với thị trường BĐS phi hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực nhà ở. Nhu cầu về BĐS, nhất là nhà ở lớn.
Mặt khác, thị trường BĐS thứ cấp, chứng khoán hóa thị trường BĐS ở nước ta hầu như chưa có; dự nợ tín dụng BĐS chiếm tỉ trọng thấp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng.
“Việc giao dịch nhà ở thương mại trầm lắng hiện nay cũng chỉ là tạm thời hoặc ở một số phân khúc nhất định, do đó nguy cơ “bong bóng” và đổ vỡ do “bong bóng” BĐS là thấp. Nếu nhìn ở góc độ khác thì giá BĐS giảm về gần giá trị thực cũng là tín hiệu tốt để các đối tượng tham gia thị trường có thể tái cơ cấu đầu tư; người có nhu cầu thực có khả năng tiếp cận hàng hóa phù hợp”, Thứ trưởng Nam nói.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối giữa cung và cầu; kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, không có khả năng kết nối hạ tầng; thực hiện nghiêm túc các quy định về chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; đặc biệt các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM phải có tỉ lệ nhà chung cư trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp, biệt thự; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm...
Trước đó, việc các chủ đầu tư dùng đủ “chiêu” để thu hút người mua, các dự án “màu mỡ” liên tục hạ giá đã khiến dư luận ngờ vực về 1 làn song bán tháo BĐS vì những khó khăn về vốn vay, nợ nần của các chủ đầu tư địa ốc.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc giảm giá bất động sản giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn để xử lý các khó khăn trước mắt, và đó chỉ là ngắn hạn, giảm lãi chứ không đến mức thua lỗ.
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững cần xây dựng các hành lang pháp lý cho các công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản mà phi ngân hàng.
Ngoài ra, về phía DN bất động sản, ông Mai cho rằng cần có sự liên kết để chủ động định hướng thị trường, hơn là riêng rẽ bán hàng, khuyến mại độc lập... và nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng chung cả thị trường.
Trong ngày hôm qua (14/11), Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi văn bản “bật đèn xanh” cho 4 nhóm BĐS và theo các chuyên gia kinh tế thì điều này cho thấy tín hiệu về sự “ấm” lên của thị trường BĐS ngày càng rõ nét.
Hiếu Anh (tổng hợp)
Bình luận